Một trong những minh chứng của phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra sôi nổi ở nơi đây là cây cầu bê tông vượt sông trị giá hơn 2 tỷ đồng, hoàn toàn bằng nguồn vốn tự đóng góp của nhân dân. Ngoài giá trị hữu hình là tạo cảnh quan mới cho vùng thôn quê, giúp nhân dân đi lại thuận tiện thì cây cầu còn mang một giá trị tinh thần to lớn, như một biểu tượng cho tình đoàn kết của nhân dân trong xóm.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan cây cầu mới xây dựng, ông Nguyễn Văn Huyến, Bí thư chi bộ xóm 11 (xã Kim Định) tự hào chia sẻ: Đây là thành quả mà gần 100 nhân công trong xóm lao động miệt mài suốt 75 ngày đêm. Từ già trẻ, gái trai đều góp công, góp sức để xây dựng cây cầu này, từ làm cốt thép mố trụ cho đến đổ bê-tông mặt cầu, cũng như hoàn thiện công trình như hiện nay.
Ông Huyến cho biết, con sông này chạy dọc theo chiều dài của xã, là một nhánh của sông Đáy đổ vào. Mùa mưa nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước lên cao. Trong khi đó, cây cầu cũ trước đây khá nhỏ hẹp, được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, người dân trong xóm đã có dự định xây dựng lại cây cầu từ lâu, nhưng còn nhiều nỗi băn khoăn và chưa có ai khởi xướng. Cho đến khi chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới đến từng thôn xóm là cơ hội để nhân dân trong xóm hạ quyết tâm cùng chung tay xây dựng cây cầu mới.
Anh Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Định đồng thời là một hộ thành viên trong xóm 11, chính anh cũng từng xắn tay áo cùng bà con nhân dân ban đêm thắp đèn để đổ móng, xây cầu. Anh Liên cho biết: Ban ngày, mỗi gia đình trong xóm đều tất bật với công việc, với ruộng đồng nên không có thời gian rảnh rỗi. Vì vậy, cứ độ 7-8 giờ tối, chúng tôi lại tụ họp để thi công. Tôi nhớ nhất những ngày làm phần móng cầu, có những hôm phải đổ bê-tông đến tận 12 giờ đêm nhưng mọi người vẫn vui vẻ và hăng hái làm việc. Chỉ có phần đào đắp đất phải thuê máy, còn lại là do công sức của nhân dân trong xóm thực hiện toàn bộ.
Việc đóng góp xây cầu cũng dựa trên tinh thần tự nguyện, không quy định một mức cụ thể. Nhà nào có điều kiện kinh tế thì đóng góp tiền của, nhà nào khó khăn hơn thì đóng góp công lao động. Trong quá trình thi công, nhiều bà con còn ủng hộ thức ăn, nước uống cho đội thi công cầu. Những củ khoai, củ sắn và cốc nước trà xanh mang tấm lòng thơm thảo của tình làng nghĩa xóm như tiếp thêm sức lực, ý chí cho đội thi công sớm hoàn thành công trình.
Sau hơn 2 tháng thi công, cuối cùng cây cầu mới khang trang, vững chãi đã hoàn thành. Với nguồn vốn hoàn toàn bằng đóng góp của người nhân trong xóm và một phần vốn xã hội hóa, cây cầu trị giá hơn 2 tỷ đồng đã được khánh thành.
Ông Phạm Văn Quốc (xóm 11, xã Kim Định), người được giao nhiệm vụ thủ quỹ cho công trình cho biết: Trong chi phí xây cầu 2 tỷ đồng là chỉ tính riêng phần nguyên vật liệu và tiền thuê máy xúc, còn nếu tính cả chi phí nhân công thì cây cầu phải trị giá đến 4-5 tỷ đồng. Trong suốt quá trình thi công đến khi hoàn thành, mọi khoản thu chi đều được công khai, minh bạch; có như vậy, người dân mới tin tưởng và đồng thuận.
Hiên nay, cây cầu mà nhân dân xóm 11 xây dựng đã được đưa vào sử dụng, giúp việc đi lại của người dân an toàn và thuận tiện hơn. Mặt khác, đây còn là biểu tượng cho mối tình đoàn kết lương - giáo của xóm 11, xã Kim Định, giúp diện mạo nông thôn mới nơi đây khang trang và hiện đại hơn từng ngày.
Bài, ảnh: Thái Học