P.V: Xin đồng chí cho biết tinh thần chỉ đạo và những nguyên tắc chung nhất trong công tác nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 theo tinh thần Chỉ thị 35 và Kế hoạch 182 của Tỉnh ủy?
Đ/c Phạm Ngọc Hưng: Công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025 phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ mà trực tiếp là Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.
Cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan Nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Việc đánh giá cán bộ phải chặt chẽ và thực chất, trên cơ sở đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đặc biệt coi trọng phẩm chất, uy tín, kết quả cụ thể; chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý bịa đặt, xuyên tạc, gán ghép trên internet, mạng xã hội liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự.
P.V: Xin đồng chí cho biết tiêu chuẩn, cơ cấu cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ này, có những điểm gì khác biệt so với nhiệm kỳ trước?
Đ/c Phạm Ngọc Hưng: Trên cơ sở Quy định 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, các cấp ủy lấy tiêu chuẩn chung của cấp ủy viên trong Chỉ thị số 35 và tiêu chuẩn cấp ủy viên của cấp mình theo quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý đã được ban thường vụ cấp ủy ban hành để làm tiêu chuẩn lựa chọn, giới thiệu cán bộ.
Yêu cầu lần này cần lưu ý các tiêu chuẩn phải bảo đảm cả về chính trị tư tưởng; ý thức tổ chức kỷ luật; đạo đức lối sống, trách nhiệm nêu gương; tinh thần trách nhiệm; kết quả thực hiện nhiệm vụ được cụ thể hóa bằng sản phẩm cụ thể; đồng thời phải có đầy đủ hồ sơ theo quy định. Nhân sự nào không bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn dứt khoát không đưa vào giới thiệu, kể cả tái cử.
Đồng thời theo Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương tập trung chỉ đạo việc rà soát, xử lý dứt điểm đối với những trường hợp chưa bảo đảm một số tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình theo tinh thần Thông báo kết luận số 43-TB/TW, ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị và Kết luận số 48-KL/TW, ngày 26/4/2019 của Ban Bí thư và các quy định liên quan trước khi xem xét giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy các cấp.
Thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cụ thể: Cấp cơ sở tháng 4/2020. Cấp huyện và tương đương tháng 6/2020. Cấp tỉnh tháng 9/2020. Thời điểm tính tuổi tham gia chức danh lãnh đạo HĐND, UBND, đoàn đại biểu Quốc hội tháng 5/2021.
Thời điểm tính tuổi tham gia các chức danh lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là thời điểm đại hội ở các cấp của mỗi tổ chức. Nhiệm kỳ trước chỉ nêu thời điểm tính tuổi của cấp ủy, chính quyền. Lần này Chỉ thị 35 quy định cả thời điểm tính tuổi tham gia các chức danh lãnh đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội là thời điểm đại hội ở các cấp của mỗi tổ chức để bảo đảm thống nhất chung trong hệ thống chính trị.
Về cơ cấu cấp ủy cơ bản bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; thực hiện chủ trương không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy.
Đồng thời thống nhất quy định một số chức danh cụ thể có cơ cấu ban thường vụ, số cơ cấu còn lại do cấp ủy quyết định theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ.
Kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả việc chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ từ nơi khác đến. Các địa phương và ngành có cơ cấu cấp ủy viên, nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ thì cấp ủy cấp trên điều động người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị từ nơi khác đến hoặc xem xét bổ sung sau đại hội.
Phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên. Chỉ thị 36 trước đây chỉ quy định tỉ lệ cán bộ trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) cho cấp tỉnh. Nhưng lần này Chỉ thị 35 quy định tuổi trẻ dưới 40 tuổi cả đối với cấp huyện. Kế hoạch số 182 của Tỉnh ủy cũng quy định tuổi trẻ đến cấp xã là dưới 40 tuổi.
Như vậy là phù hợp, đồng bộ và thuận lợi cho các cấp ủy trong chuẩn bị nhân sự. Thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và phấn đấu ba độ tuổi trong thường trực cấp ủy. Chỉ thị 36 trước đây quy định cần bảo đảm 3 độ tuổi trong cấp ủy; phấn đấu 3 độ tuổi trong ban thường vụ và thường trực các cấp ủy. Như vậy, nhiệm kỳ này yêu cầu cao hơn, phải thực hiện cơ cấu 3 độ tuổi trong cả ban thường vụ cấp ủy.
P.V: Xin đồng chí cho biết chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương được triển khai thực hiện như thế nào tại tỉnh ta?
Đ/c Phạm Ngọc Hưng: Trung ương yêu cầu thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; cấp ủy cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.
Đối với Ninh Bình sẽ thực hiện theo Kế hoạch 111-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chủ trương bí thư, chủ tịch UBND các cấp không là người địa phương; trong Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra chỉ tiêu thực hiện cụ thể ở từng cấp.
Thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao; nhân sự dự kiến giới thiệu là người tiêu biểu, hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, phải được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp.
P.V: Quy trình nhân sự đại hội đảng các cấp phải đảm bảo tính dân chủ, khách quan, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém về công tác cán bộ thời gian qua. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Đ/c Phạm Ngọc Hưng: Về quy trình nhân sự thực hiện theo Quy định số 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị, hướng dẫn của cấp ủy có thẩm quyền và được cụ thể hóa, để xây dựng quy trình mới. Tuy cũng thực hiện 5 bước nhưng trình tự và nội dung thực hiện các bước khác với Quy định 105-QĐ/TW.
Quy trình nhân sự được chia ra 2 đối tượng: Căn cứ vào số lượng, cơ cấu nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 đã được cấp ủy thông qua, tiến hành thực hiện quy trình đối với nhân sự tái cử cấp ủy trước; trên cơ sở đó cần bổ sung số lượng bao nhiêu, thuộc cơ cấu nào, mới tiến hành thực hiện quy trình đối với nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy.
Như vậy, phải thực hiện 2 lần quy trình nhân sự cấp ủy cho 2 đối tượng; mỗi quy trình sẽ tiến hành theo 5 bước như trong Chỉ thị 35. Quy trình nhân sự nhiệm kỳ này khác hoàn toàn so với quy trình nhân sự trước đây; đòi hỏi công phu, phức tạp hơn và dân chủ hơn, bảo đảm được sự lãnh đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy đối với công tác nhân sự; đồng thời yêu cầu các cấp ủy phải rất thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn, làm đến đâu chắc đến đó.
Có thể nói, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiêu chuẩn chức danh cán bộ nêu tại Quy định 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm"; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân...
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Quỳnh Thu (Thực hiện)