Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết từ khâu giống, nước đến vệ sinh đồng ruộng…, phấn đấu thực hiện thắng lợi vụ sản xuất đông xuân với tổng sản lượng lúa dự tính đạt trên 256 nghìn tấn.
Huyện Kim Sơn có diện tích cấy lúa lớn nhất tỉnh, hiện bà con đang tiến hành dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng và tập trung cầy ải. Với mục tiêu gieo cấy hơn 8 nghìn ha lúa, năng suất phấn đấu đạt 67,4 tạ/ha, ngay sau khi kết thúc vụ mùa, huyện Kim Sơn đã lên kế hoạch sản xuất vụ đông xuân chi tiết cụ thể đến các từng vùng sản xuất, từng HTX, đồng thời đề ra các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho sản xuất thắng lợi.
Đồng chí Nguyễn Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Trong vụ đông xuân 2011-2012 nhiệm vụ trọng tâm của Kim Sơn vẫn là tập trung đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá. Phòng Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi Kim Sơn, các HTX xây dựng phương án chống hạn, tổ chức kiểm tra, sửa chữa các trạm bơm, nạo vét các cửa cống lấy nước và hệ thống cống điều tiết nội đồng, đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi nội đồng để đảm bảo việc khoanh vùng tưới tiêu. Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân thu dọn rơm rạ, tàn dư thực vật, thực hiện tiêu hủy để hạn chế lây lan nguồn sâu bệnh, đồng thời xây dựng cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng sinh thái theo phương châm tinh giảm số giống để thuận lợi trong việc quản lý sâu bệnh. Tính đến ngày 6-12, toàn huyện đã nạo vét được 113.920 m3 kênh mương, bờ vùng, bờ thửa và lắp đặt 200 cống tiêu thoát nước; cày ải được 500 ha, tập trung ở các HTX Thuận Thành, Chất Bình, Hợp Thành, Chính Tâm.
Huyện Yên Mô đang tập trung các bước chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân 2012, đây được đánh giá là vụ chính với diện tích, sản lượng cao nhất trong các vụ. Do đặc điểm vụ đông 2011 bị chậm so với mọi năm, để theo kịp lịch thời vụ, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các HTX chủ động ký hợp đồng với các chủ phương tiện làm đất, đồng thời huy động sức kéo của trâu, bò để làm đất nhanh, gọn, đảm bảo chất lượng.
Tại Nho Quan và Gia Viễn, 2 huyện có trên 20% cơ cấu trà xuân sớm gieo cấy ở đất thùng đào, thùng đấu, ven sông, thu hoạch trước lũ tiểu mãn, mọi công việc chuẩn bị cho vụ sản xuất đang được tiến hành khẩn trương. Hiện các HTX nông nghiệp đã chủ động liên hệ với các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng cung ứng giống, phân bón đầy đủ, đảm bảo chất lượng phục vụ bà con nông dân. Để rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa, huyện Nho Quan và Gia Viễn cũng khuyến khích mở rộng diện tích lúa gieo thẳng, đặc biệt là gieo thẳng bằng công cụ kéo tay. Dự kiến trà xuân sớm sẽ gieo mạ từ ngày 1 đến 5-1 và phấn đấu hoàn thành việc gieo cấy trước ngày 5-2.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT thì vụ đông xuân 2012 bên cạnh những thuận lợi như giá các sản phẩm của nhiều loại cây trồng đang ở mức cao, các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, giống, công tác khuyến nông tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ đầu tư cho sản xuất, người nông dân cũng phải đối mặt với khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa thấp, đầu vụ có thể xảy ra hạn hán trên diện rộng, tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh rất phức tạp, giá các vật tư nông nghiệp đang ở mức cao. Do vậy, để hoàn thành kế hoạch gieo cấy 40.000 ha lúa, 2.500 ha ngô và 4.500 lạc với sản lượng phấn đấu 256 nghìn tấn lúa, 8.750 tấn ngô, 11.000 tấn lạc…, các địa phương cần bố trí trà lúa, giống lúa phù hợp với điều kiện đất đai, trình độ thâm canh, cơ sở hạ tầng của từng vùng. Phương châm chung là giảm trà xuân sớm (còn 5%), tăng trà xuân muộn (95%), đảm bảo tỷ lệ lúa lai, lúa chất lượng cao thích hợp. Tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, làm đất sớm. Riêng nước phục vụ cho sản xuất, các huyện phía Nam tỉnh thường lợi dụng nước thủy triều cần cử người túc trực đo độ mặn đầu cống khi thủy triều lên, độ mặn cho phép thì mở hết cống, tận dụng thời gian lấy nước vào đồng đổ ải. Các HTX chủ động ký kết hợp đồng với Công ty Khai thác công trình thủy lợi về tưới tiêu trong vụ, tổ chức nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa, các đập, cống, chuẩn bị sẵn sàng các loại máy bơm phục vụ cho việc đưa nước vào đồng ruộng. Đối với các chân ruộng cao cấy lúa nhưng thiếu nước thì chủ động chuyển đổi sang trồng các cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày.
Nguyễn Lựu