Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá khái quát những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình trong năm học 2018-2019?
Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn: Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối kết hợp chặt chẽ của các ngành; đặc biệt là sự cố gắng của cán bộ, giáo viên, công nhân viên toàn ngành; từ đó đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào những thành tích chung của tỉnh.
Theo đó đã rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, từ đó duy trì tương đối ổn định quy mô trường, lớp các cấp học, tỷ lệ học sinh bỏ học ít. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt. Tính đến nay, toàn tỉnh có 436/474 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 92%. Việc đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, quản lý giáo dục; công tác giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử, an ninh, an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh... được chỉ đạo thực hiện hiệu quả, không để xảy ra các vụ việc tiêu cực, đáng tiếc nào.
Kết quả một số kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia, công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 và kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đạt được kết quả phấn khởi, tạo dư luận tốt trong xã hội. Đặc biệt, việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 được áp dụng theo quy chế thi THPT quốc gia hiện hành. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đúng lịch trình. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,88%; trong đó THPT đạt 98,93%, GDTX đạt 87,87%. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo và một số báo, điểm trung bình tất cả các bài thi của thí sinh tỉnh Ninh Bình là 5,817, xếp thứ 3 toàn quốc. Tỉnh Ninh Bình nhiều năm liền xếp trong tốp 5 tỉnh thành phố có điểm trung bình tất cả các bài thi cao của cả nước.
Trường Mầm non Đông Thành (thành phố Ninh Bình) mới được khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2019-2020. Ảnh: Đinh Minh
Phóng viên: Chỉ còn vài ngày nữa là năm học mới 2019-2020 chính thức bắt đầu, xin đồng chí cho biết thực trạng mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn: Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh đầu cấp học đã hoàn thành, huy động 18.622 trẻ 6 tuổi vào lớp 1, đạt tỷ lệ 98,95%; học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào lớp 6 là 13.736, đạt tỷ lệ 98,92%. Số học sinh tốt nghiệp THCS năm 2019 được tuyển vào lớp 10 THPT, GDTX là 10.215, đạt tỷ lệ 85,8% (10.215/11.905), trong đó hệ công lập chiếm 74,53%, hệ ngoài công lập chiếm 2,46%, hệ GDTX chiếm 8,81%.
Đối với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất ở các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát các phòng học và công trình xây dựng trong trường học. Toàn tỉnh hiện có 155 trường mầm non, 153 trường tiểu học, 142 trường THCS, 26 trường THPT. Qua rà soát, cơ sở vật chất tại một số trường học từ THPT đến mầm non xuống cấp nghiêm trọng, một số trường học thiếu phòng học dẫn tới quá tải. Toàn tỉnh có 59 phòng học và 19 phòng (hạng mục) công trình xây dựng xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn cho việc dạy học cũng như hoạt động khác của các trường học. Toàn bộ số phòng học và hạng mục công trình xây dựng này đã được niêm phong không sử dụng để tiến hành xây mới hoặc sửa chữa lớn. Toàn tỉnh có 122 phòng học và 214 phòng (hạng mục) công trình xây dựng xuống cấp nhẹ. Hiện tại hệ thống phòng học và công trình xây dựng này đang được các địa phương khẩn trương sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ năm học mới.
Theo thống kê, năm học 2019-2020, các trường học cần có 7.237 phòng học, tuy nhiên số phòng học hiện có là 6.767 phòng, số phòng học còn thiếu là 470 phòng (mầm non 280 phòng, tiểu học 156 phòng, THCS 20 phòng, THPT 14 phòng). Trong tháng 6 và 7/2019, đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới ở một số cơ sở giáo dục cho thấy, nhiều trường học cần có kinh phí để nâng cấp sửa chữa ngay thì mới đáp ứng được cho việc khai giảng năm học mới.
Cùng với đó, bàn ghế hiện tại trong các lớp học chủ yếu là bàn ghế cũ đã xuống cấp và là loại 4 chỗ ngồi, không đáp ứng yêu cầu tại Thông tư liên tịch số 26/2011 ngày 16/6/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế. Để đảm bảo bàn ghế học sinh đạt chuẩn, các trường học trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo cần bổ sung thay thế 6.060 bộ bàn ghế loại 2 chỗ ngồi; các trường tiểu học và THCS trực thuộc huyện cần bổ sung thay thế 24.704 bộ bàn ghế loại 2 chỗ ngồi. Thêm vào đó, máy vi tính trong trường học hầu hết thiếu hoặc được đầu tư quá 5 năm đã hết khấu hao. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, cần đầu tư bổ sung 860 bộ máy tính cho các trường học trực thuộc Sở và 4.390 bộ máy tính cho các trường mầm non, tiểu học, THCS trực thuộc huyện.
Phóng viên: Cùng với công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, Ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên như thế nào?
Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn: Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác này, đồng thời Sở đã ban hành Kế hoạch số 24 ngày 9/5/2019 về việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới để cụ thể hóa Kế hoạch số 40 của UBND tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 7 chuyên đề bồi dưỡng về Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và những phương pháp đổi mới, các cách tổ chức hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học ở phổ thông cho hàng nghìn lượt cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông. Thực hiện xong việc chọn lọc đội ngũ giáo viên cốt cán tham gia tập huấn tại Trung ương để tiếp thu và triển khai đại trà trong phạm vi toàn tỉnh. Có thể khẳng định đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo của tỉnh nhà đã sẵn sàng cho triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của tỉnh.
Về đội ngũ giáo viên, đối với cấp THPT cơ bản đủ về số lượng, chủng loại, cơ cấu giáo viên tương đối đồng bộ về cơ cấu môn, đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là bố trí, cân đối để có lực lượng giáo viên dạy một số môn mới của Chương trình, sách giáo khoa mới như Âm nhạc, Mỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên có thể dạy tích hợp liên môn; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán dạy song ngữ và tuyển dụng bổ sung giáo viên, nhân viên thuộc một số môn có khó khăn về nguồn tuyển như giáo viên Công nghệ, nhân viên thiết bị. Đội ngũ giáo viên THCS trong nhiều năm qua tồn tại thực tế là do có nhiều trường THCS quy mô nhỏ nên rất khó khăn trong việc bố trí giáo viên, dẫn đến ở nhiều địa phương vừa thừa lại vừa thiếu; thừa về số lượng nhưng thiếu cục bộ một số môn học, trong mấy năm gần đây, tình trạng bất cập trên đã được khắc phục một phần. Giáo viên tiểu học so với biên chế hiện có với định mức quy định (1,5 giáo viên/lớp) thì số biên chế giáo viên cấp tiểu học còn thiếu 337 biên chế. Còn cấp bậc mầm non thì vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số trường, hiện còn 261 biên chế chưa tuyển dụng.
Để giải quyết thực trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phòng giáo dục các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục khắc phục bằng việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền tuyển dụng, hợp đồng bổ sung, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu giáo viên theo quy định; đồng thời thực hiện phân công chuyên môn đảm bảo khoa học, hợp lý trong hoạt động dạy và học tại các nhà trường.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!.
Mỹ Hạnh