Có kinh nghiệm nuôi cá gần 20 năm, nên gia đình ông Vũ Văn Kiệm, thôn Đoàn Kết (xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp) rất chú trọng công tác cải tạo, vệ sinh ao đầm mỗi khi bước vào vụ mới. Ông Kiệm cho biết: Sau gần 1 năm nuôi thả, trong ao sẽ tồn tại rất nhiều chất thải, mầm bệnh.
Do vậy hàng năm, bước vào vụ nuôi mới, gia đình tôi tiến hành cải tạo để cân bằng lại hệ sinh thái trong ao. Tát cạn, tháo rửa chua từ 1-2 lần, sau đó bón vôi để khử trùng cũng như làm tăng độ pH cho đất. Rải vôi đều khắp mặt ao, tiến hành phơi ao khô nứt chân chim trước khi lấy nước, gây màu, thả giống. Hiện các ao nuôi của gia đình đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, chỉ còn chờ thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành thả cá giống.
Tại các xã ven biển huyện Kim Sơn, thời điểm này, người dân cũng đang gấp rút hoàn thành việc cải tạo ao nuôi và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho ngày xuống giống vụ tôm xuân hè 2020. Máy xúc, người xây, sửa, đào đắp, không khí lao động hết sức tấp nập.
Vừa tỉ mỉ kiểm tra lại mối gắn trên hệ thống bạt lót của đầm tôm, chị Lã Thị Hoa, một hộ nuôi ở xóm 5, xã Kim Trung vừa chia sẻ với chúng tôi: Dịch bệnh đối với nghề thủy sản, nhất là con tôm rất khó chữa trị. Do vậy, để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi, khâu cải tạo ao đầm phải đặt lên hàng đầu. Năm ngoái nhờ làm tốt khâu này mà gia đình thắng lớn, 3 mẫu tôm gia đình thu lãi gần 400 triệu đồng. Có vốn, năm nay, gia đình tiếp tục sửa sang ao đầm, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ nghề nuôi.
Năm 2020, toàn tỉnh có kế hoạch thả nuôi 13.920 ha thủy sản, phấn đấu sản lượng đạt 54.210 tấn. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 10.420 ha, diện tích nuôi nước mặn, lợ là 3.500 ha. Ngành chuyên môn khuyến cáo, thời gian cải tạo ao đầm cần thực hiện xong trước tháng 3/2020.
Vùng nuôi thủy sản nước ngọt, chú trọng phát triển mô hình nuôi chuyên canh các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá trắm đen, chép lai và các đối tượng cá truyền thống có giá trị kinh tế theo hình thức bán thâm canh, thâm canh.
Vùng nuôi thủy sản ruộng trũng nên xây dựng các vùng lưu giữ giống, lưu giữ cá thương phẩm. Hình thành vùng ương giống tập trung có chất lượng cao cung cấp cho vùng nuôi. Lựa chọn một số giống mới có tốc độ sinh trưởng nhanh và giá trị kinh tế để nuôi thử nghiệm và nhân rộng.
Thời gian thả giống từ tháng 3 đến tháng 5, có thể thả bù vào vụ thu từ tháng 8 đến tháng 9. Với vùng nuôi thủy sản mặn, lợ cần phát triển các hình thức nuôi tiên tiến, áp dụng công nghệ vào sản xuất như nuôi áp dụng VietGAP, nuôi theo công nghệ vi sinh, nuôi thâm canh, siêu thâm canh trong nhà bạt, nhà lưới, ao nổi... Thời gian bắt đầu thả giống từ cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Hiện nay, Chi cục Thủy sản đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc người nuôi trồng thủy sản sớm hoàn thành việc cải tạo ao đầm, bãi triều, lồng bè, đảm bảo đúng kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu đối tượng, mật độ thả giống.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản. Trong đó, thực hiện kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi. Tăng cường công tác kiểm dịch, giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn giống thủy sản nhập vào địa bàn tỉnh…; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Với sự chủ động trong việc chuẩn bị các điều kiện của bà con nuôi trồng thủy sản, sự sát sao trong công tác quản lý, hướng dẫn của ngành chuyên môn, hy vọng rằng thủy sản Ninh Bình tiếp tục giành thắng lợi trong vụ 2020 này. Từng bước khẳng định được vị thế trong việc nâng cao giá trị thu nhập và đời sống cho bà con.
Hà Phương