Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số
Thứ Ba, 05/11/2024, 02:35
Zalo
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là yếu tố then chốt, đột phá để tạo cú hích trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động đưa cơ hội việc làm đến với lao động vùng xa. Ảnh: Minh Quang
Anh Đinh Văn Tự, sinh năm 1984 ở thôn Sấm 3, xã Cúc Phương (Nho Quan). Lấy vợ, ra ở riêng với hai bàn tay trắng, lại sinh liên tiếp 3 người con, đó là nguyên nhân để nhiều năm liền, gia đình anh Tự nằm trong tốp nghèo của xã.
“Vợ chồng tôi cố gắng mà vẫn chưa thể vươn lên thoát nghèo được vì thiếu nông cụ, thiếu kiến thức trong sản xuất nông nghiệp”- anh Tự cho biết.
Cách đây vài năm, anh Tự được hỗ trợ chiếc máy cày cầm tay. Anh Tự chăm chỉ cày xới ruộng đất nhà mình để trồng cấy, lúc rảnh việc thì đi cày thuê cho người dân trong thôn, cuộc sống dần bớt khó khăn, thậm chí đã thoát nghèo bền vững. Khi thoát nghèo rồi, gia đình anh Tự lại đặt mục tiêu trở thành hộ khá.
“Đồng đất ở đây không thuận lợi để cấy lúa. Vì vậy, tôi tích cực tham gia các buổi chuyển giao KHKT; đồng thời học hỏi các mô hình kinh tế phù hợp của chính bà con trong thôn, cải tạo ruộng đất để trồng và nuôi những cây, con phù hợp. Vợ tôi thì tham gia vào lớp dạy nghề may, sau đó tìm được việc làm ở doanh nghiệp gần nhà”- Anh Tự nói.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Để công tác giảm nghèo được 10/10 thôn hưởng ứng sôi động, một mặt địa phương phát huy tối đa hiệu quả vai trò của người uy tín ở thôn trong việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, ý thức, khơi dậy ý chí vươn lên. Đồng thời, cung cấp kiến thức, kỹ năng và giới thiệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả để đồng bào vận dụng vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đảng ủy, UBND xã tích cực chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của từng vùng.
Hiện nay, xã Cúc Phương duy trì hoạt động hiệu quả của các HTX: Nông nghiệp, thảo dược, hươu sao, nuôi ong, đan bèo bồng và may mặc. Các HTX hỗ trợ hội viên không chỉ về giống, vốn, thị trường tiêu thụ… mà còn là kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi. Vì vậy, số hộ dân tham gia vào các HTX ngày càng đông, trở thành hướng phát triển kinh tế phù hợp của xã Cúc Phương.
Để góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Nho Quan, trong đó có mục tiêu cụ thể về công tác giảm nghèo, Phòng Dân tộc huyện đã xây dựng chương trình hành động theo từng lộ trình, hàng năm; trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giảm còn 2% và tiệm cận với mức bình quân chung tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, 100% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Để thực hiện được mục tiêu này, vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số được coi là nhiệm vụ then chốt.
Huyện Nho Quan đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động tham gia học nghề; được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm, để có thể lựa chọn cho mình một cơ hội việc làm phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống…
Huyện Nho Quan phối hợp tổ chức các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Công tác khuyến nông, khuyến lâm và ứng dụng KHKT vào sản xuất được triển khai rộng khắp, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.
Mô hình nuôi ong hiệu quả của ông Đinh Minh Châu (xã Cúc Phương). Ảnh: Minh Quang
Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương, các hội, đoàn thể tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng, tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được tham gia các chương trình giáo dục nghề nghiệp đạt tỷ lệ trên 31% (năm 2021) và phấn đấu đến năm 2030 sẽ đưa tỷ lệ này lên trên 45%.
Đặc biệt, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tiểu Dự án 3, Dự án 5 “Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” hướng đến đối tượng người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 1 của tiểu Dự án 3, Dự án 5, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực triển khai công tác tuyển sinh đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho người lao động huyện Nho Quan nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 100 nghìn lao động, trong đó người dân tộc thiểu số tham gia học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp là gần 120 người; giải quyết việc làm cho trên 76.900 người, trong đó trên 5.700 lao động đi xuất khẩu (trong đó có 83 lao động thuộc diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi).
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 34 hội nghị tuyên truyền, cung cấp thông tin thị trường lao động cho trên 6.800 cán bộ xã, thôn và tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho trên 1.500 lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp giữa UBND tỉnh Ninh Bình và thành phố Asan, tỉnh Chungcheonam (Hàn Quốc), trong đó ưu tiên tuyển chọn lao động là người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động khác nhằm hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm được việc làm phù hợp với khả năng và nguyện vọng…