Có mặt tại thôn Hoàng Long, xã Gia Thủy (Gia Viễn) - một trong 4 xã có nhiều thôn bị ngập nặng của huyện Nho Quan do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua, gặp bác Nguyễn Đức Hoàng đang phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn gia cầm của gia đình. Bác Hoàng cho biết: Những ngày mưa to do cơn bão số 6 vừa qua, khu nuôi vịt của gia đình tôi được quây tập trung bị ngập trắng, hơn 6 nghìn con vịt, trong đó có đàn vịt con mới nở vài ngày tuổi phải di cư lên bờ đê tránh nước lũ. Nước rút, gia đình đưa đàn vịt về nhà để chăm sóc. Ngoài tăng cường bổ sung những loại thức ăn tinh hơn ngày thường, được sự hướng dẫn và cấp thuốc của cán bộ thú y xã, gia đình đã tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn vịt. Qua gần 1 tuần theo dõi, đàn vịt phát triển bình thường nên gia đình tôi thấy cũng yên tâm, tiếp tục theo dõi, chăm sóc để chủ động phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra. Cũng như gia đình bác Nguyễn Đức Hoàng, gia đình ông Nguyễn Văn Hưng nuôi 20 con lợn thịt. Những ngày mưa to do ảnh hưởng của bão số 6, đường ngõ và sân nhà ông ngập nặng. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn thịt đang vào thời kỳ vỗ béo chuẩn bị xuất chuồng, ngoài tăng cường thêm rau xanh, thức ăn tinh bột để đảm bảo tăng trưởng bình thường cho đàn lợn, hàng ngày, gia đình ông Hưng còn chủ động phun nước quét dọn, vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực chuồng nuôi, đảm bảo cho đàn lợn khỏe mạnh, phát triển tốt. Là người chăn nuôi lâu năm, có kinh nghiệm, không chỉ các đợt mưa bão dài ngày, những thời điểm giao mùa, thời tiết bất lợi cũng rất dễ xảy ra dịch bệnh cho đàn lợn, do đó, gia đình ông Hưng luôn chủ động tích trữ các loại thuốc phòng, trị bệnh, đặc biệt là vôi bột, thuốc sát trùng để thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng truồng trại, môi trường xung quanh và tổ chức tiêm phòng định kỳ các loại vắcxin thông thường cho lợn như tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn và lở mồm, long móng. Vì vậy, nhiều năm nay đàn lợn của gia đình nhà ông không mắc bệnh, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Nguyễn Thị Tĩnh, cán bộ thú y xã Gia Thủy cho biết: Thôn Hoàng Long là thôn có điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi thả vịt nên nhân dân trong thôn đã đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện Nho Quan, Chi cục Thú y tỉnh, dịp mưa bão vừa qua đã gây úng lụt nặng cho trên 100 hộ dân trong thôn. Hầu hết các gia đình trong thôn đều tổ chức các hình thức chăn nuôi phù hợp với quy mô hộ, trong đó có hơn 10 nghìn con vịt, hơn 3 nghìn con gà và trên 500 con lợn. Trong đợt mưa bão vừa qua, được sự chỉ đạo và cấp phát thuốc của Trạm Thú y huyện Nho Quan, ngay khi nước rút, cán bộ thú y xã phối hợp với các hộ chăn nuôi tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng kịp thời trong và xung quanh khu vực nuôi. Đồng thời tuyên truyền trên loa phát thanh, thông báo bằng miệng đến các gia đình chăn nuôi, yêu cầu các hộ chăn nuôi phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại theo đúng hướng dẫn, tăng cường thức ăn phục hồi sức khỏe cho vật nuôi; đồng thời chủ động theo dõi con nuôi, thấy dấu hiệu bệnh dịch phải thông báo ngay với thú y viên hoặc cán bộ thôn, xóm để có phương hướng và biện pháp xử lý kịp thời…
Đồng chí Trương Đức Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Nho Quan cho biết: Với lợi thế là huyện có nhiều vùng trũng, ruộng một vụ lúa nên nhiều xã của huyện Nho Quan tập trung phát triển đàn gia cầm, trong đó chủ yếu là vịt. Hiện toàn huyện có khoảng 600 nghìn con gia cầm, tập trung ở các xã: Gia Thủy, Gia Tường, Đức Long… Đợt mưa bão vừa qua, có 5 xã gồm Gia Thủy, Đức Long, Gia Lâm, Gia Tường và Gia Sơn bị ngập lụt tương đối nặng, nhiều thôn trở thành ốc đảo. Có trên 22 nghìn con gia súc, gia cầm của 5 xã bị ngập nặng cần được theo dõi, chăm sóc. Trạm Thú y huyện đã cấp phát trên 400 lít hóa chất khử trùng tiêu độc về các xã bị úng ngập, yêu cầu thú y viên chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi phun trừ kịp thời, tránh để xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi…
Đồng chí Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Trong mùa mưa bão, một số xã của 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn thường xuyên bị ngập úng. Sau mưa bão, lũ lụt, thời tiết thường diễn biến phức tạp nên đàn gia súc, gia cầm thường hay mắc các bệnh như bệnh tụ huyết trùng, tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm, long móng….. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão đối với những vùng có nguy cơ và thường hay ngập lụt cần chú ý thực hiện tốt một số biện pháp như: Chủ động nâng cao nền chuồng hoặc làm sàn cao cho vật nuôi ở, làm rèm che chắn, mục đích giữ ấm cho gia súc, gia cầm khi có mưa, gió, rét. Đảm bảo luôn có nước uống sạch cho gia súc, gia cầm. Nước cần được đánh phèn cho trong và khử trùng bằng viên Chloramin-B hoặc Chloramin-T, pha 1 viên với 25 lít để khử trùng nước uống cho gia súc, gia cầm. Gia súc, gia cầm nuôi nhốt cần được chăm sóc chu đáo không bị bỏ đói hoặc ăn những loại thức ăn tận dụng, thiếu dinh dưỡng, bị mốc, kém chất lượng. Thường xuyên quét dọn chuồng trại. Định kỳ tuần 1 - 2 lần phun tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh. Tổ chức tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin phòng, chống bệnh ở vật nuôi. Đồng thời, hạn chế sử dụng kháng sinh, các chất kích thích tăng trọng, các chất có nguồn gốc hocmôn trong chăn nuôi để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Chi cục Thú ý tỉnh khuyến cáo bà con nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, nếu có dấu hiệu bất thường trên vật nuôi phải báo ngay cho cán bộ cơ sở hoặc thú y viên để có biện pháp đối phó, kịp thời bao vây dịch, không để lây lan ra diện rộng, giảm tối thiểu thiệt hại về kinh tế …
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh