Nằm ngoài đê sông Lạng Uyển, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Long, thôn Lạng Uyển gồm 300 con lợn. Đợt lũ vừa qua, nhờ phán đoán trước được tình hình, gia đình anh đã kịp bắc ván kê kích nền chuồng lên cao, giúp giữ an toàn được cho phần lớn số lợn nhưng cũng không tránh khỏi một số con bị chết.
Anh Long chia sẻ: Giờ đây, nước đã rút nhưng điều làm tôi lo nhất là vấn đề dịch bệnh. Đợt mưa vừa qua khiến toàn bộ chuồng trại bị ngâm trong nước, mầm bệnh cũng theo đó mà tràn vào, cộng thêm việc con lợn đã nhiều ngày chịu mưa lạnh, chế độ ăn uống không đảm bảo, sức đề kháng sẽ suy yếu.
Vừa rồi, gia đình đã phải dọn rửa chuồng trại sạch sẽ, rắc vôi bột và phun hóa chất khử trùng nhưng liệu có ngăn chặn được hoàn toàn dịch bệnh không thì cũng không thể nói hay được.
Khác với nhà anh Long, trại gà của gia đình chị Trần Thị Liễu ở xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan mặc dù nằm ở trên khu đồi khá cao nhưng vẫn bị ngập úng do nước không tiêu thoát kịp.
Chị Liễu cho biết: 100 mét tường bao của trại đã bị đổ, 2 khu chuồng gà bị ngập hoàn toàn, chỗ sâu lên đến gần 1m nước, gia đình đã phải dùng thuyền di chuyển toàn bộ 400 con gà đi đến một trại gà khác để gửi.
Nhằm tránh dịch bệnh phát sinh và lây lan, sau khi dọn dẹp chuồng trại đưa gà về, mấy ngày nay trong chế độ ăn của đàn gà, chị đã bổ sung thêm vitamin và các khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng của chúng.
Nho Quan là địa phương có chăn nuôi khá phát triển. Toàn huyện có khoảng 800 gia trại, trang trại và hàng nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với trên 23 nghìn con trâu bò, 80 nghìn con lợn, 150 nghìn con gà và trên 20 vạn con vịt. Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến cho nhiều gia trại, trang trại bị ngập trong nước, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết và bị cuốn trôi.
Ông Trương Đức Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Thú y Nho Quan cho biết: Trước tình hình mưa lũ tác động xấu đến hoạt động chăn nuôi của bà con, Trạm chủ động hướng dẫn các xã, đặc biệt là những xã bị ngập úng nặng như Đồng Phong, Gia Lâm, Đức Long, Lạc Vân… đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ động phòng, chống dịch bệnh bằng biện pháp vệ sinh chuồng trại, định kỳ phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng chuồng trại 1 tuần/1 lần; tập trung tiêm phòng vắc xin bổ sung cho đàn vật nuôi.
Riêng đối với những hộ có gia súc, gia cầm bị chết tiến hành thu gom, chôn lấp xử lý theo đúng quy định, tuyệt đối không vứt ra sông suối, gây ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với đồng chí Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, được biết: Sau mưa lụt, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm khan hiếm do rau màu bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm và khí hậu ẩm ướt khiến sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút. Mặt khác, khi mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt trên diện rộng, tạo cơ hội phát tán mầm bệnh.
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, tránh dịch bệnh phát sinh và lây lan, Chi cục đã nhanh chóng phối hợp với các địa phương thống kê thiệt hại; thành lập các tổ tiến hành thu gom xác gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, tập kết để đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định. Chỉ đạo những đơn vị nào còn hóa chất dự trữ thì khẩn trương cấp phát xuống cho các hộ dân để tiến hành phun khử trùng tiêu độc.
Hiện nay, Chi cục đang tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị với UBND tỉnh cấp kinh phí để mua thêm hóa chất và sẽ triển khai tháng khử trùng tiêu độc trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 25/10 đến 25/11 theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Về công tác tiêm phòng vụ thu đông, khi nào có vắc-xin về Chi cục triển khai cho tiêm phòng ngay.
Tuy nhiên, bà con cũng lưu ý cần chủ động thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình mình.
Trước tiên, nước rút đến đâu thì vệ sinh ngay đến đó. Định kỳ 1 - 2 lần/tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi.
Nên chọn những loại thuốc sát trùng có hoạt phổ rộng và có tác dụng diệt trùng nhanh, hoạt lực kéo dài, ổn định. Sau đó, kiểm tra chuồng nuôi, tu sửa, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh.
Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi. Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi.
Về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi, luôn để gia súc, gia cầm nơi khô ráo, sạch sẽ bằng mọi biện pháp vì gia súc, gia cầm trong môi trường ẩm ướt, lạnh chân sẽ rất dễ mắc bệnh.
Chú ý giữ ấm cho gia súc, gia cầm. Hạn chế chăn thả trong khi mưa lũ chưa rút. Cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Cung cấp đủ thức ăn xanh cho trâu bò, có thể bổ sung thêm thức ăn tinh cho chúng.
Đối với lợn con và gà con ở giai đoạn úm nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng.
Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.
Hàng ngày, vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải về đúng nơi quy định và có biện pháp xử lý sát trùng. Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn...
Khi gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột, tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.
Hà Phương