Để chủ động đối phó với bão số 2, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động bà con nông dân khẩn trương xuống đồng thu hoạch lúa đông xuân đã chín, nhất là các diện tích lúa ngoài đê và các vùng có nguy cơ ngập úng cao. Đến ngày 25-6, toàn tỉnh đã thu hoạch được 23.406 ha lúa, đạt 56,3% diện tích. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, khu nuôi trồng thủy sản. Tiến hành rà soát, kiểm tra các công trình đê, kè, hồ đập đang thi công.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chỉ đạo các Chi nhánh phối hợp với địa phương triển khai phương án chống úng, tiêu nước đệm ở các vùng có nguy cơ ngập úng cao. Tổ chức vận hành 68 cống dưới đê và 73 máy bơm để bơm tiêu thoát nước đệm trong hệ thống.
Công ty Điện lực Ninh Bình đã đảm bảo đủ điện phục vụ bơm tiêu úng và công tác phòng, chống lụt bão. Các ngành, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để thông tin kịp thời vị trí, hướng di chuyển, mức độ ảnh hưởng của bão cho ngư dân và các hộ nuôi trồng thủy sản ở bãi bồi ven biển. Đồn biên phòng Kim Sơn đã triển khai lực lượng, phương tiện để ngăn không cho tàu thuyền ra khơi và đã liên lạc, kêu gọi 84 phương tiện với 168 ngư dân, 400 người nuôi trồng thủy sản ngoài đê Bình Minh 2 vào nơi trú ẩn an toàn…
Trên địa bàn huyện Yên Khánh, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện triển khai các biệp pháp đối phó với bão số 2. Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại các khu vực trọng điểm trên các tuyến đê hữu Đáy, đê sông Vạc và một số xã, thị trấn có vùng nguy cơ ngập úng cao.
Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện đã bố trí công nhân thường trực tại các cống dưới đê, trạm bơm để vận hành tiêu thoát nước đệm trong hệ thống. Các xã, thị trấn đã chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương xuống đồng thu hoạch lúa đông xuân đã chín. Đến ngày 24-6, Yên Khánh đã thu hoạch được 3.500 ha lúa, đạt 48% diện tích.
Lượng mưa trung bình ở huyện Hoa Lư là gần 100 mm, tuy không gây thiệt hại nhiều về kinh tế nhưng lại cản trở việc thu hoạch lúa đông xuân của nông dân các địa phương trong huyện. Đến hết ngày 23-6, nông dân trong huyện cũng đã thu hoạch được khoảng 2.000 ha trong tổng số hơn 3.000 ha lúa. Một số diện tích lúa bị đổ ngã. Do mưa to, ruộng lúa nhiều nước đã gây khó khăn cho người gặt và máy gặt. Huyện đã khuyến cáo nông dân tranh thủ mọi điều kiện, phương tiện, hong khô, phơi sấy lúa đã thu hoạch về, chuẩn bị tốt các điều kiện, phương tiện để có thể tiến hành thu hoạch nhanh gọn lúa đông xuân ngay sau khi bão tan, tránh hao hụt, thất thoát.
Vụ đông xuân 2010-2011, toàn huyện Kim Sơn gieo cấy được 7.913,5 ha lúa, trong đó có 50,4% diện tích là giống lúa chất lượng cao (Tám, Nếp, Bắc thơm...). Đến ngày 23-6, toàn huyện đã gặt được gần 30%. Tuy không có diện tích lúa nào bị ngập úng nhưng gần 20% diện tích đã bị đổ. Diện tích nuôi trồng thủy sản vẫn được đảm bảo an toàn. Hoa màu, cây cối, công trình, nhà cửa không bị ảnh hưởng. Ngay sau khi trời quang, mây tạnh, nhân dân các nơi đã ra đồng gặt lúa. Đặc biệt có sự hỗ trợ của 400 cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ CHQS tỉnh và Binh đoàn Quyết Thắng nên tốc độ thu hoạch khá nhanh.
Huyện Yên Mô có mưa vừa và to với lượng mưa đo được là 144 mm, làm một số diện tích lúa bị đổ và gần 50% diện tích mạ bị ngập nước. Trước khi có bão, huyện đã chỉ đạo Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi và các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp chủ động bơm tiêu kiệt nước đệm, hoành triệt các cống. Khi có mưa lớn, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, Chi nhánh Khai thác các công trình thủy lợi, Chi nhánh điện, các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện triển khai ngay các phương án phòng, chống lụt bão, tổ chức vận hành các trạm bơm để tiêu kiệt nước trong hệ thống; Chi nhánh điện ưu tiên và đảm bảo đủ điện phục vụ tiêu úng; động viên bà con nông dân thu hoạch nhanh diện tích lúa đã chín. Đến nay toàn bộ diện tích mạ bị ngập úng đã được tiêu thoát. Tính đến ngày 24-6, toàn huyện đã gặt trên 50% diện tích lúa, dự kiến đến 30-6 cơ bản gặt xong.
Theo thống kê, 1.300 ha/6.900 ha lúa đông xuân của huyện Gia Viễn chưa thu hoạch thì có 250 ha lúa bị ngập do mưa lớn. Bên cạnh đó còn có 16,4 ha mạ đã gieo phục vụ cho sản xuất vụ mùa của huyện cũng bị ngập nước. Nhanh chóng khắc phục ngập úng bảo vệ lúa đông xuân và đảm bảo cho sản xuất vụ mùa, huyện Gia Viễn đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn, các HTX, các đơn vị liên quan vận hành trên 50 máy bơm bơm tiêu thoát nước, vận động nhân dân khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khẩn trương huy động, tập trung nhân lực thu hoạch gọn những diện tích lúa đông xuân đã chín còn lại.
Ngày 25-6, Binh đoàn Quyết Thắng, Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện Kim Sơn đã tổ chức cho hơn 400 cán bộ, chiến sỹ hành quân về địa bàn các xã Tân Thành, Yên Lộc, Xuân Thiện (Kim Sơn)giúp nhân dân gặt lúa (ảnh bên). Đặc biệt quan tâm giúp đỡ những hộ gia đình chính sách, người có công, hộ gia đình neo đơn... Theo kế hoạch, các lực lượng sẽ tham gia thu hoạch lúa giúp nhân dân huyện Kim Sơn đến hết ngày 27-6. |
|
Đêm ngày 23 đến chiều 24-6 ở thị xã Tam Điệp mưa to làm một số điểm ở thị xã bị ngập cục bộ, tuy nhiên mức độ ngập không nặng, chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn. Gió to cũng làm một cây lớn đổ ngã vào đường dây điện gây mất điện toàn thị xã từ đêm ngày 24-6 đến chiều ngày 25-6. Về sản xuất nông nghiệp, nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống úng nên toàn bộ diện tích mạ mùa được đảm bảo an toàn, nhân dân đã thu hoạch xong 700/822,4 ha lúa đông xuân.
Ngay sau khi mưa bão kết thúc, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Tam Điệp đã huy động toàn bộ lực lượng công nhân viên thu dọn đường phố. Công ty Điện lực tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hệ thống lưới điện, thay thế, sửa chữa các đường dây bị hư hỏng để đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn.
Địa bàn huyện Nho Quan đã liên tục có mưa, tổng lượng mưa đo được trên 142 mm; mực nước ở bến Đế đạt 2,3 m. Đến thời điểm này về cơ bản nông dân trong huyện đã thu hoạch xong lúa đông xuân, nhất là diện tích ở vùng trũng nên không bị thiệt hại.
Ban Chỉ huy PCLB & TKCN huyện đã kịp thời ra Công điện chỉ đạo phòng, chống cơn bão số 2. UBND huyện đã tổ chức đoàn kiểm thực tế, chỉ đạo các xã, thị trấn có biện pháp khơi thông dòng chảy để tiêu thoát nước nhanh, đề phòng mưa úng, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thu hoạch nốt diện tích lúa đã chín với phương châm "xanh nhà hơn già đồng"; đẩy nhanh tiến độ làm đất, bảo vệ diện tích mạ đã gieo và diện tích lúa cấy sớm.
Nhóm P.V và CTV