Bác sỹ Phạm Hồng Kiều, Trưởng Khoa Nội nhi 1, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: Thời điểm này, mọi người đều có thể mắc các bệnh, dịch truyền nhiễm như bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, rubella, quai bị, viêm màng não mô cầu, tiêu chảy, tả, thương hàn.... Ngoài ra, do thời tiết nắng ấm nên nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, côn trùng truyền bệnh như: Muỗi, ruồi… cũng phát triển mạnh. Đối tượng dễ mắc nhất vẫn là trẻ em, nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của trẻ đang hoàn thiện, lại chưa có ý thức trong phòng bệnh, khi mắc bệnh dễ lây lan ra cộng đồng. Trong khi đó, công tác phòng chống các loại dịch, bệnh truyền nhiễm gặp nhiều khó khăn do điều kiện vệ sinh môi trường, ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân chưa cao. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm giảm so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lại có dấu hiệu tăng mạnh, đó là các bệnh viêm gan vi rút, thủy đậu, bệnh Adeno vi rút… Toàn tỉnh có trên 1.500 ca mắc tiêu chảy, gần 200 ca mắc thủy đậu, gần 3.500 ca mắc cúm, 1 ca mắc liên cầu lợn…
Bác sỹ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Công tác phòng, chống dịch được Trung tâm xây dựng kế hoạch hàng năm và duy trì hiệu quả. Theo đó Trung tâm thường xuyên triển khai hoạt động giám sát các trường hợp bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện và cộng đồng; thực hiện tốt công tác giám sát vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt côn trùng phòng chống dịch bệnh; thực hiện phúc tra ổ dịch đường tiêu hóa tại huyện Yên Khánh và Gia Viễn...
Đặc biệt, để phát hiện kịp thời ca bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo các Trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường giám sát ở bệnh viện và trong cộng đồng. Đối với những địa phương xuất hiện liên tiếp các ca bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cử cán bộ đến giám sát tại cơ sở, trực tiếp đôn đốc, cùng khoanh vùng, xử lý, không để lây lan thành dịch. Hiện nay, trang thiết bị máy móc phòng chống dịch bệnh ở các tuyến trên địa bàn được trang bị khá đầy đủ. Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có hàng chục máy phun hóa chất, các đơn vị tuyến huyện cũng được trang bị đủ các máy. Vật tư, hóa chất, trang phục bảo hộ luôn được dự trữ đầy đủ tại các đơn vị, đảm bảo phòng chống dịch và sẵn sàng khi có dịch xảy ra.
Cũng theo bác sỹ Lê Hoàng Nam, để chủ động phòng, chống các dịch bệnh thường gặp trong mùa hè, nhất là những bệnh như dịch tả, thương hàn, tay chân miệng, các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi có nguy cơ gây dịch, như cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9)…, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch như: Theo dõi việc giám sát dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời; vận động nhân dân vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở; chủ động điều tra, giám sát lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, quai bị, thủy đậu và tay chân miệng trên địa bàn…
Cùng với đó, triển khai chiến dịch uống bổ sung vitamin A đợt 1 năm 2017; tổ chức các hoạt động như tập huấn nâng cao kiến thức dinh dưỡng cho cán bộ y tế tuyến xã/phường/thị trấn và y tế thôn bản năm 2017 tại thành phố Ninh Bình và huyện Gia Viễn; tổ chức các lớp truyền thông dinh dưỡng tại cộng đồng. Tiếp tục kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các nhà máy nước tập trung trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động tại các đơn vị có sử dụng lao động, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Về phía chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội cũng cần vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch bệnh bằng việc phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tuyên truyền người dân ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Đặc biệt, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các đơn vị liên quan chú trọng tuyên truyền cách phát hiện các loại dịch bệnh và các biện pháp phòng chống tại cộng đồng. Các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng chuẩn bị nhân lực, cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu để kịp thời chẩn đoán, điều trị, cách ly khi có bệnh nhân nghi nhiễm, mắc bệnh.
Cùng với sự vào cuộc của ngành y tế, từng hộ gia đình và mỗi người dân cần phải có ý thức cao trong phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm. Bằng việc làm cụ thể như giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, không sử dụng các loại thực phẩm, nước uống không đảm bảo vệ sinh, thực hiện nghiêm những hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chức năng về phòng bệnh; thông báo cho cơ quan y tế các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để chữa trị kịp thời, góp phần bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn bệnh dịch lây lan ra diện rộng.
Mỹ Hạnh