Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng. triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch COVID-19, đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học 2021- 2022. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Văn Khiêm, phó Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Yên Khánh.
Chủ động dạy và học thích ứng với dịch COVID-19
Phóng viên:Xin đồng chí cho biết tình hình các nhà trường trên địa bàn huyện Yên Khánh hiện nay khi dịch COVID-19 đã xâm nhập trong dân cư cũng như các trường học?
Đ/c Đinh Văn Khiêm: Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện và ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó ngành Giáo dục và Đào tạo cũng phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực. Khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn huyện và nguy cơ lây nhiễm trong các trường học, mức độ nguy hiểm đã thể hiện rõ trong thực tế bởi sự phát sinh liên tục số ca nhiễm mới. Hiện nay 22/22 trường tiểu học và 12/19 trường THCS chuyển sang dạy học trực tuyến, cấp học mầm non trẻ chưa đến trường. Khắc phục khó khăn dạy và học, các nhà trường, học sinh luôn nỗ lực dạy và học thích ứng, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.
Toàn ngành đã triển khai linh hoạt có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện nhiều giải pháp thích ứng an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ổn định dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2021-2022.
Phóng viên:Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, đồng thời thực hiện chương trình giáo dục, xin đồng chí cho biết ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã có những giải pháp gì?
Đ/c Đinh Văn Khiêm: Nhằm đảm bảo an toàn trường học trước dịch COVID-19, ngay từ đầu năm học 2021-2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo việc dạy và học thích ứng an toàn, hiệu quả và ứng phó với dịch COVID-19. Thường xuyên theo dõi, cập nhật số liệu, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; phối hợp với cơ quan Y tế, UBND các xã, thị trấn để đánh giá tình hình và tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo kịp thời đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phối hợp với ngành Y tế rà soát lại các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học để tiếp tục có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng phòng, chống dịch COVID-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh trong tình hình mới.
Các trường không tổ chức hoạt động tập trung đông người, chào cờ đầu tuần, các hoạt động trải nghiệm. Quán triệt cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hạn chế tối đa đến những nơi tập trung đông người và nơi có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tổ chức công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0. Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để quản lý theo dõi sức khỏe, việc học tập trực tiếp, trực tuyến cũng như việc đi lại hàng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà của học sinh.
Tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho học sinh; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan y tế ở địa phương để được giúp đỡ về chuyên môn phòng chống dịch và xử lý hiệu quả vấn đề nảy sinh; tổ chức tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hiệu quả theo kế hoạch của địa phương. Thủ trưởng các đơn vị, các trường học chủ động, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch; đảm bảo quy trình các bước xử lý khi có F0 trong nhà trường; không chủ quan xem nhẹ việc phòng, chống dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới học tập và sinh hoạt của học sinh.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật về tình hình dịch bệnh; căn cứ thông báo về cấp độ các vùng dịch của Sở Y tế (tại Website https://soyte.ninhbinh.gov. vn); vùng đỏ thì tạm dừng đến trường và chuyển sang dạy học trực tuyến; các trường thuộc các vùng còn lại thì căn cứ tình hình cụ thể để báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến, hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tiếp tục rà soát, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ, đường truyền internet đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến; tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực về dạy học trực tuyến cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Tập huấn dạy học trực tuyến tại Trường Tiểu học Ninh Phong (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Mỹ Hạnh
Chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục, triển khai các hình thức tổ chức dạy học: trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến, khai thác các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Gmail... để hướng dẫn, giao bài tập cho học sinh đảm bảo linh hoạt, hiệu quả và liền mạch; lựa chọn nội dung, môn học và thời lượng phù hợp với từng khối lớp khi tổ chức dạy học trực tuyến, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6; phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn học sinh học trên truyền hình (kênh VTV7) và các nguồn học liệu đảm bảo chất lượng.
Trẻ mầm non tạm dừng đến trường đến khi có thông báo mới; căn cứ tình hình dịch COVID-19 và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp với phụ huynh để thống nhất phương án chăm sóc trẻ đảm bảo an toàn.
Phóng viên: Để đáp ứng dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện và các nhà trường đã thực hiện kêu gọi, vận động các lực lượng tham gia hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh vùng khó để có đủ phương tiện, thiết bị sử dụng học trực tuyến như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Văn Khiêm: Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường rà soát tình hình thực tế của học sinh để nắm bắt được số lượng học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến: có máy tính, điện thoại thông minh. Phát động phong trào ủng hộ sóng và máy tính cho em theo sự chỉ đạo của ngành. Chỉ đạo các nhà trường kêu gọi phụ huynh học sinh chuẩn bị các điều kiện để học sinh học trực tuyến; kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để có thiết bị cho con em học.
Theo thống kê, các trường có trên 90% học sinh tham gia vào các lớp học trực tuyến, số học sinh còn lại do gia đình đông anh em nên việc dùng máy học trực tuyến phải thay đổi luân phiên, hoặc máy có cấu hình thấp đều được các nhà trường giao bài về nhà với nhiều hình thức khác nhau đảm bảo 100% học sinh đều được hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Phóng viên: Chỉ còn ít thời gian nữa sẽ kết thúc năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ có những kế hoạch cụ thể như thế nào trong tổ chức thi và đánh giá học sinh đảm bảo chất lượng, hiệu quả?
Đ/c Đinh Văn Khiêm: Để hoàn thành kế hoạch năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát việc dạy học trực tuyến của giáo viên. Xây dựng kế hoạch sẵn sàng triển khai theo hình thức trực tuyến trong trường hợp học sinh không thể đến trường tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, không để bị động. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm phù hợp và hỗ trợ cho hoạt động kiểm tra đánh giá tốt nhất. Xây dựng bộ đề kiểm tra trực tuyến gồm các câu hỏi nằm trong nội dung cơ bản, cốt lõi, không vượt ra ngoài chương trình học tập gây khó khăn cho học sinh. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp.
Phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc đánh giá học sinh: Trước khi đánh giá cần có trao đổi với cha mẹ học sinh. Khi học sinh trở lại học trực tiếp, chỉ đạo giáo viên dành thời gian để ôn tập, củng cố kiến thức trước khi dạy bài mới, tận dụng thời gian "vàng" để tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi. Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!