Tại Ninh Bình, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND về thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" và đã phát động phong trào trên phạm vi toàn tỉnh. Đã có nhiều sở, ngành, đơn vị, địa phương tích cực hưởng ứng, bằng việc không sử dụng đồ nhựa một lần trong các cuộc hội họp; phong trào "dùng làn đi chợ" của các cấp hội phụ nữ; việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi ni-lông trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng nông sản; hay việc huy động được đông đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia thu gom rác, làm sạch môi trường của các cấp bộ Đoàn...
Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng túi ni-lông cũng như những rác thải từ nhựa khác chưa thật sự đi vào đời sống, số người tham gia hưởng ứng chưa cao, nhất là trong giới trẻ. Em Nguyễn Nam Phong (16 tuổi, phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) cho biết: Em thường đến trường với bữa sáng là món xôi chả được đựng vào hộp xốp, bên ngoài là một túi nilon, kèm theo đó là chiếc thìa nhựa. Sau khi tan trường, em lại cùng nhóm bạn mua trà sữa, bim bim... để ăn, uống và tất cả đều được đựng vào cốc nhựa, túi ni-lông. Vậy là chỉ trong một 1 buổi sáng, Phong cùng các bạn đã sử dụng khá nhiều túi ni-lông, hộp nhựa, loại chỉ sử dụng 1 lần.
Phong là một trong số rất nhiều bạn trẻ thường xuyên sử dụng sản phẩm từ nhựa, túi ni-lông trong sinh hoạt hàng ngày. Mới đây, khi đến một quán trà chanh dành cho giới trẻ ở phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình), chúng tôi thấy đồ ăn, thức uống khách mua mang về hoặc cửa hàng "ship" đến nhà cho khách hoàn toàn được đựng bằng hộp xốp, cốc nhựa và kèm theo ống hút nhựa. Không chỉ riêng các quán trà chanh mà nhiều các quán ăn, quán nước từ sang trọng đến bình dân, vỉa hè đều chung tình trạng trên.
Điều đáng nói, số lượng cốc, ống hút ấy chỉ được dùng một lần rồi bỏ đi, khiến cho lượng rác thải nhựa tăng lên từng ngày, từng giờ, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường. Đó là chưa kể các hộp xốp, đồ nhựa sử dụng một lần được các tổ chức y tế khuyến cáo không nên dùng để đựng thức ăn, đồ uống. Tuy vậy, qua theo dõi, chúng tôi thấy hầu hết các bạn trẻ đều không để ý đến điều này; cũng không ai yêu cầu chủ quán sử dụng đồ thay thế cũng như từ chối dùng ống hút nhựa.
Rác thải nhựa, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân. Rác thải nhựa, túi ni-lông rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa các hệ sinh thái. Tuy nhiều người biết rất rõ mối nguy hại của rác thải nhựa, nhưng dường như vẫn tiếp tục sử dụng đồ vật tiện dụng này.
Thiết nghĩ, để việc chống rác thải nhựa thật sự đi vào đời sống, nhất là trong giới trẻ, thì phong trào chống rác thải nhựa cần phải có những việc làm cụ thể, thiết thực chứ không chỉ dừng lại ở việc truyền thông. Thay vì sử dụng một lần, chúng ta có thể tận dụng chai nhựa để trồng cây, tái chế thành những đồ dùng hữu ích. Khi vào quán, thay vì bị động sử dụng cốc nhựa, ống hút, chúng ta có thể đề nghị chủ quán sử dụng cốc thủy tinh và không dùng ống hút... Giới trẻ, những công dân thời đại mới cần có ý thức hơn với môi trường, vì cuộc sống xanh, sạch, hiện đại, văn minh. Về lâu dài, các ngành chức năng, các nhà sản xuất cần nghiên cứu cho ra đời sản phẩm thay thế đồ dùng nhựa, thân thiện với môi trường, gần gũi, tiện ích với cộng đồng, nhằm dần thay đổi hành vi, thói quen dùng đồ nhựa trong giới trẻ cũng như của người dân...
Bài, ảnh: Diệu Linh