Đã gần 1 năm thực hiện dạy học bộ SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô giáo Phạm Thị Hồng Quyên, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư) đã có kinh nghiệm cùng nhà trường chọn bộ SGK lớp 2 phù hợp trong năm học tới.
Cô Quyên cho biết: SGK chỉ là một trong những nguồn tài liệu để giáo viên và học sinh thực hiện mục tiêu giáo dục. Qua nghiên cứu và tìm hiểu, các bộ SGK lớp 2 đều có những ưu điểm, trong đó tôi đã đề xuất nhà trường chọn bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống". Bộ sách này được đánh giá phù hợp tại nhà trường, bởi sau gần 1 năm giảng dạy, cho thấy phù hợp với trình độ, năng lực học sinh, đảm bảo khoa học, hiện đại, thiết thực, đảm bảo tính thẩm mỹ. Sách có ưu việt khi phụ huynh nhìn sách cũng có thể hướng dẫn được con. Với nhiều ưu điểm như vậy, hầu hết giáo viên mong muốn tiếp tục chọn bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" cho lớp 2 nhằm tạo tính logic trong giảng dạy, học tập.
Cô giáo Tạ Thị Hồng Thoa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư) cho biết: Năm học 2021-2022, trường có 132 học sinh lớp 2, với 4 lớp. Nhà trường đề xuất chọn bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" và 2 môn Mỹ thuật và Hoạt động trải nghiệm trong bộ "Chân trời sáng tạo" là do đã triển khai nghiên cứu kỹ các bộ sách và trong quá trình lựa chọn tôn trọng ý kiến giáo viên.
Cùng với đề xuất chọn sách, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nhà trường cũng tham mưu với địa phương xây dựng phòng học, trang bị các thiết bị vận động, chuẩn bị xây dựng bể bơi trị giá 3 tỷ đồng nhằm phục vụ các hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng thể chất học sinh.
Trong năm học 2020-2021, nhà trường đã xã hội hóa mua sắm 4 tivi có kết nối Internet để khai thác các học liệu điện tử nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện trường đã được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3, tạo thuận lợi cho nhà trường triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và các mục tiêu trong Chương trình GDPT 2018.
Theo cô giáo Lê Thị Châm, giáo viên môn Địa lý-GDCD, Trường THCS Gia Lập (huyện Gia Viễn), là năm đầu tiên tham gia chọn SGK lớp 6 nên cũng có chút băn khoăn.
Điểm đổi mới là SGK lớp 6 tích hợp nội dung kiến thức Lịch sử và Địa lý vào 1 môn học. Hiện các giáo viên mới được tìm hiểu qua bản điện tử, chưa có bản giấy để nghiên cứu. Đánh giá ban đầu nhận thấy, có một số thuận lợi như tất cả các bài học đã đưa thành chủ đề, giáo viên triển khai các kiến thức theo chủ đề dạy và học sinh dễ dàng tìm tư liệu cho nội dung bài học. Đồng thời, dạy theo chủ đề giúp giáo viên chủ động được thời gian, lượng kiến thức.
Tuy nhiên, do tích hợp 2 môn học nên kiến thức nhận được sẽ không sâu. Từ đó, Tổ chuyên môn đã họp, nghiên cứu, đưa ra giải pháp, xây dựng kế hoạch phù hợp để học sinh có kiến thức môn học sâu hơn. Như lồng ghép những nội dung SGK mới chưa đề cập đến vào các chương trình hoạt động ngoại khóa, các tiết địa phương để học sinh có thể hiểu sâu hơn kiến thức bộ môn. Do đó, cá nhân giáo viên và tổ chuyên môn đã đề xuất với nhà trường chọn bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống".
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong Chương trình GDPT 2018 tại Quyết định 781/QĐ-BGDĐT. Danh mục gồm 32 SGK lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng SGK môn tự chọn Tiếng Anh; 40 SGK lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Các sách trong danh mục được phê duyệt thuộc các Nhà xuất bản có kinh nghiệm trong biên soạn sách và có SGK lớp 1 được phê duyệt sử dụng cho Chương trình GDPT 2018.
Trên cơ sở đó, đầu tháng 3 vừa qua, Sở GD&ĐT Ninh Bình phối hợp với các Nhà xuất bản tổ chức hội thảo trực tuyến triển khai lựa chọn SGK cho cán bộ cốt cán Phòng GD-ĐT, các trường Tiểu học, THCS trong tỉnh nhằm giới thiệu nội dung SGK mới.
Nhà giáo Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thực hiện Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT về việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Sở đã triển khai thảo luận, tham mưu với UBND tỉnh ban hành các tiêu chí lựa chọn SGK phổ thông trên địa bàn tỉnh (Quyết định 386/QĐ-UBND, ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh về việc quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình).
Ngoài tiêu chí chung theo quy định, có những tiêu chí căn cứ vào đặc thù địa phương, nội dung SGK đảm bảo tính kế thừa và phù hợp của truyền thống lịch sử, văn hóa, địa lý của tỉnh và phù hợp với đối tượng học sinh từng huyện, thành phố, điều kiện cơ sở vật chất trên địa bàn từng cơ sở giáo dục của tỉnh.
Đặc biệt, việc lựa chọn sách cần có cấu trúc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ, nhóm chuyên môn các nhà trường có thể xây dựng, bổ sung các học liệu phù hợp với thực tiễn của tỉnh; các bộ sách cần có giá bán hợp lý với điều kiện kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh...
Sở GD&ĐT cũng căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 25 để tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng lựa chọn sách của tỉnh, đảm bảo tiến độ cho năm học 2021-2022. Quan điểm của Sở GD&ĐT, việc lựa chọn sách sẽ căn cứ trên lựa chọn của các đơn vị nhà trường ở các địa phương, các Phòng GD&ĐT; cùng với chuyên gia, các thầy cô giáo có chuyên môn tốt để lựa chọn vào thành viên Hội đồng chọn sách của tỉnh. Các thành viên có nhiệm vụ nghiên cứu kỹ các bộ sách được giới thiệu, thực hiện lựa chọn căn cứ theo tiêu chí UBND tỉnh đã ban hành. Qua đó sẽ lựa chọn được bộ sách phù hợp nhất sử dụng trong các nhà trường.
Hồng Vân