Ninh Bình vẫn giữ vững vị trí là tỉnh có điểm trung bình trung các môn thi thuộc top đầu trong cả nước. Không ít học sinh và phụ huynh phấn khởi, thở phào nhẹ nhõm vì điểm thi của con em mình cũng rất cao, nhất là các môn thuộc khối xét nguyện vọng vào đại học.
Hãy khoan bàn đến chất lượng có đúng là cao do kết quả của việc dạy và học không, hay là do dịch COVID-19 mà đề thi cũng có phần nào dễ hơn? Thôi thì cứ vui với kết quả của năm học, vui với thành tích của các thầy, cô giáo và các em học sinh đã đạt được trong kỳ thi THPT vừa qua đã. Và sau niềm vui lại đến những băn khoăn, trăn trở của mỗi phụ huynh, mỗi học sinh để chọn nghề và chọn trường cho con em mình trong tương lai.
Chọn nghề và chọn trường học là bước khởi đầu có vị trí rất quan trọng đối với mỗi học sinh, sinh viên và gia đình. Đất nước ngày càng phát triển và nghề nghiệp trong xã hội cũng ngày càng mở rộng. Nếu nắm bắt được xu thế đó sẽ có quyết định lựa chọn đúng đắn cho nghề nghiệp của mình.
Những ngày này, hẳn trong mỗi gia đình không ít lần mở các cuộc trao đổi, tranh luận giữa cha, mẹ và con cái về định hướng nghề nghiệp của con. Với số điểm đã đạt được trong kỳ thi THPT vừa qua, nên đăng ký chọn nghề gì? học trường nào? và có đạt được nguyện vọng hay không? Bao nhiêu câu hỏi cần phải có lời giải, nhưng để có đáp án đúng và thỏa mãn được cả con em và cha mẹ lại là cả một vấn đề mà không ít người phải mất ăn, mất ngủ.
Với các con, nhiều khi suy nghĩ còn chưa, tới thấy bạn bè chọn toàn những nghề, những trường "hot" nên cũng đăng ký vào theo phong trào. Với các bậc phụ huynh có lẽ nên cần phải tính toán, cân nhắc cẩn trọng hơn. Trước hết, nên chọn nghề và trường con yêu thích và vừa sức học của con, lại còn vừa với khả năng kinh tế của cha, mẹ.
Còn nhớ vào thời điểm này mấy năm trước, tôi có người bạn cũng đang băn khoăn chọn nghề và chọn trường nào cho con trai? Sức học của con trai bạn tôi cũng thường thường bậc trung bình khá thôi. Cậu ta muốn học ngành công nghệ thông tin nhưng với sức học như thế khó có thể được xét đỗ và có đỗ cũng khó mà học đạt được kết quả để ra trường.
Sau bao suy nghĩ, tính toán, cuối cùng bạn tôi lựa chọn cho con học nghề xây dựng công trình của một trường đại học. Rồi cậu con đó cũng đành phải chấp nhận theo định hướng của cha mẹ để trở thành sinh viên. Thế nhưng, khi vào học được một thời gian, cậu ta không theo được nên kết quả học tập thấp kém. Vì tâm lý, nguyện vọng đã không thích, môn học lại mới, khó và phương pháp học cũng khác, đòi hỏi người học phải có tính tự giác cao. Do vậy mà sau gần 2 năm làm sinh viên, tốn thời gian và không ít kinh phí, gia đình đành phải gọi về cho đi làm việc khác.
Vấn đề nữa là nên chọn học nghề gì mà xã hội cần, dễ xin việc, đóng góp cho xã hội nhiều nhất, chứ đừng học theo phong trào. Hiện nay, trong giới trẻ không ít trường hợp có bằng đại học đành phải cất đi làm kỷ niệm rồi tự xin đi làm công nhân. Vì học xong mà không xin được việc làm đúng ngành, nghề mình đã học. Điều đó vừa lãng phí cho bản thân, gia đình và cả xã hội.
Mới đây, trên một tờ báo kể lại một câu chuyện cũng về việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Các phụ huynh của một cậu con trai đã tốt nghiệp THPT muốn con học theo nghề của bố để sau này "bố về, con vào". Nhưng cậu con trai không theo định hướng đó mà quyết định đi học nghề thiết kế đồ họa.
Nghe con nói thế, bố mẹ lắc đầu ngao ngán, bởi vì khi con học xong, không biết xin cho con vào chỗ nào để làm việc. Thôi thì, con thích nên đành phải chiều. Thế nhưng, cậu này chỉ học đến năm thứ 3 là đã có thể đi làm thêm để tăng thu nhập, mà tiền làm thêm của nó tương đương với lương của mẹ đã sắp đến tuổi hưu. Không những thế, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn ngỏ lời khi học xong muốn mời về công ty mình để làm việc.
Lựa chọn nghề nào, học ở đâu cho tương lai của con, em mình quả là không hề đơn giản. Trong thực tế, đã có nhiều gia đình đăng ký cho con học nghề này và vào trường đại học A, sau một thời gian chẳng hiểu sao lại chuyển cho con học nghề khác và vào trường đại học B. Nhưng đó chưa chắc đã là quyết định cuối cùng bởi có thể còn thay đổi.
Hiện nay, đã có nhiều trường đại học công bố điểm trúng tuyển vào các ngành nghề cụ thể nên tạo rất nhiều cơ hội cho học sinh và gia đình xem xét, lựa chọn. Do vậy, sự lựa chọn nghề, chọn trường cho con em hoàn toàn do mỗi gia đình hoặc cá nhân các em quyết định. Chỉ biết rằng, việc lựa chọn đúng nghề nghiệp, đúng trường sẽ giúp cho con em chúng ta trong tương lai có công việc ổn định, khởi nghiệp vững vàng, tiết kiệm thời gian, công sức của cả bản thân, gia đình và xã hội.
Khi lựa chọn nghề và chọn trường, bên cạnh việc phải dự báo, nắm bắt được nhu cầu của xã hội trong khoảng những năm tới thì các bậc phụ huynh, các em cũng cần nhìn nhận, đánh giá đúng mình, có đam mê, sở thích nghề mình chọn không?có năng khiếu, sở trường với nghề đó không?học trường đó có vừa sức và thuận lợi cho mình và gia đình không? Việc lựa chọn đúng đam mê, năng khiếu và nơi học sẽ giúp cho con em mình thêm nhiệt tình trong học tập, rèn luyện và sau này làm việc hiệu quả hơn.
Điều cuối cùng phải khẳng định là học đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Xã hội có hàng trăm nghề, nghề nào cũng cao quý và rất cần thiết. Và nghề nào cũng cần những người tài.
Muốn trở thành những người tài trong tương lai thì ngay từ hôm nay, mỗi gia đình và nhất là bản thân các em học sinh vừa mới tốt nghiệp THPT cần phải có sự lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp để cho sở thích, đam mê và năng khiếu nghề của các em luôn phát triển nhanh chóng và thuận lợi, nhằm đóng góp nhiều nhất cho xã hội.
Nguyễn Đông