Vài năm trước, chuẩn bị vài mâm cỗ cho gia đình mà bác trưởng tôi phải "mất ăn mất ngủ" vài ngày bởi lo công tác hậu cần. Nhưng nay, bác bảo giờ có phải chuẩn bị hàng chục mâm cỗ cũng khỏi phải lo. Bởi theo bác, bây giờ chợ ở quê cũng đầy đủ các loại hàng hóa nên không phải đi chợ trung tâm của huyện nữa. Chỉ cần sáng sớm ra chợ xã là đã có đủ các loại thực phẩm cần mua, cái gì cũng tươi, cũng mới tha hồ để người mua lựa chọn.
Sáng hôm sau, theo chân bác, tôi cùng đi thăm quan chợ Điềm (xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn). Đúng như lời bác nói, chợ quê bây giờ cũng đa màu, đa sắc. Người bán, người mua tấp nập. Những nguyên liệu để chuẩn bị cho vài mâm cỗ sung túc, đủ đầy thì cũng chẳng thiếu thứ gì. Tuy nhiên, bên cạnh sự nhộn nhịp giao thương, đó là quang cảnh còn khá nhếch nhác, lộn xộn. Ngay đầu chợ là hai dãy hàng thịt lợn. Có nhiều hàng được bày bán trên tấm gỗ đã mục, cáu bẩn.
Mỗi khi có khách cần mua xương, chủ hàng đặt ngay mảnh bìa cát tông dưới nền đất ẩm ướt, dọc lối đi để chặt cho… chắc. Đi sâu vào trong chợ, rác thải, phế phẩm của những mặt hàng tươi sống vứt tràn lan, ruồi nhặng thỏa sức tung hoành. Khi chúng tôi đề cập đến việc kiểm dịch thực phẩm, chủ một sạp hàng thịt lợn hồn nhiên: lợn này chúng tôi mua chủ yếu của các hộ dân ở quê, làm gì có dịch đâu mà phải kiểm?
Chúng tôi đi thêm vài điểm chợ nữa. Gần cầu Đế (xã Gia Phú, Gia Viễn) là chợ Đức Long (Nho Quan). Chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa của người dân trong xã mà còn thu hút đông đảo bà con từ các xã lân cận đến giao lưu, buôn bán, song tình trạng mất an toàn vệ sinh cũng đáng lo ngại. Chợ được họp trên một gò đất, hễ mưa là lầy lội còn trời nắng thì bụi bay mù mịt. Trong chợ, hàng rau, thịt, đồ tươi sống… được bày bán không có thứ tự, nền nếp. Giò, chả và các thức ăn chín được đặt cạnh hàng thịt sống mà không có bất cứ dụng cụ che đậy nào.
Không ít chủ hàng vừa thái thịt sống, dao còn bám đầy mỡ, tiện tay thái luôn giò, chả cho khách. Bên trong chợ, nhiều thứ mùi từ thịt gia súc, gia cầm đa giết mổ, chế biến sẵn cộng với mùi của rác, nước thải bốc lên nồng nặc. Tại dãy hàng thủy sản, nước thải đổ lênh láng khiến đường đi lúc nào cũng nhớp nháp…
Điểm chung dễ nhận thấy là ý thức chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của người kinh doanh tại các chợ quê mà chúng tôi đã đi qua là chưa cao. Nhận thức còn hạn chế lại ham lợi nhuận cao nên một số người bán hàng bỏ qua yếu tố đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. ở các chợ quê, đa số những hộ kinh doanh gia súc, gia cầm đều giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà rồi đem ra chợ bán. Bởi vậy, lực lượng thú y khó có thể kiểm soát.
Để những thực phẩm không hợp vệ sinh có đất "sống" thì có lẽ thói quen tiêu dùng, mua sắm của người dân cũng đóng vai trò không nhỏ. Không ít người vẫn còn tâm lý chủ quan, dễ dãi khi mua hàng do chưa có kiến thức cần thiết về an toàn vệ sinh thực phẩm để tự bảo vệ mình. Trước khi mua một loại thực phẩm nào, người mua phải biết được nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng mình sẽ mua. Nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn thích mua những mặt hàng có giá càng rẻ càng tốt mà xem nhẹ chất lượng cũng như không mấy quan tâm đến hạn sử dụng, xuất xứ, quy cách đóng gói, bảo quản của mặt hàng mình dự định mua. Một số người còn tặc lưỡi cho rằng, chỉ cần qua chế biến, nấu sôi là thực phẩm sẽ… hết độc hại.
Đặc biệt, càng cận kề ngày Tết cổ truyền của dân tộc, lượng hàng hóa phục vụ Tết được tung ra thị trường ngày càng phong phú về chủng loại và giá cả với nhiều mẫu mã và màu sắc bắt mắt. Hiện nay, các loại bánh kẹo, hạt dưa, rượu, thịt, mực, bò… và các loại rau, củ quả đã tràn ngập ở các chợ quê để phục vụ Tết. Tiếng rao quảng cáo, tiếng nhạc… được người bán bật thật to để thu hút người mua, không khí ở các chợ quê vì thế mà thêm náo nhiệt, tấp nập.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là bên cạnh những mặt hàng đầy đủ nhãn mác, chủng loại, xuất xứ nhưng cũng có không ít mặt hàng không hề có nhãn mác, xuất xứ hay có nhãn mác nhưng chỉ là tờ giấy phô tô không được bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm chứng. Chưa kể, có nhiều loại mặt hàng do các hộ gia đình tự chế biến thực phẩm như mứt, thịt muối, giò, hành muốn, dưa muối… rồi tung ra thị trường mà không có bất kỳ sự đảm bảo nào về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những mặt hàng này được bày bán công khai và thu hút được nhiều người mua bởi tâm lý ham rẻ mà bỏ qua tiêu chí an toàn thực phẩm. Chị Lụa, một người dân xã Đức Long cho biết, công việc nhà nông cuối năm thường bận rộn. Bởi vậy, chị chủ yếu sắm tết tại chợ quê. Phiên chợ nào chị cũng mua bánh kẹo, thạch rau câu ở chợ về cho các con ăn. Phần vì chúng có màu sắc bắt mắt, ăn cũng ngon mà cái chính nữa là giá…rẻ chứ chị cũng không để ý đến hạn sử dụng, xuất xứ… của sản phẩm.
Tết đang đến gần, các bà nội trợ đang tất bật lo sắm tết với vô vàn nỗi lo, trong đó lo nhất vẫn là mua gì, ăn gì để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình trong những ngày Tết. Việc thực phẩm độc xâm nhập thị trường là khó tránh khỏỉ nên người dân hãy là nhà mua sắm thông minh, thông thái, tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về an toàn vệ sinh thực phẩm để có thể tự lựa chọn những mặt hàng ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình mình.
Nguyễn Hùng