Trước đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 23-27/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã có Công văn hỏa tốc số 81, ngày 22/1/2016 gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc; đặc biệt là trường học vùng nông thôn, miền núi, vùng cao về việc đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 23/1, Bắc Bộ bắt đầu bước vào đợt rét đậm, rét hại kéo dài 5 ngày, nhiệt độ vùng đồng bằng có thể xuống dưới 10 độ C, miền núi dưới 5 độ C, khu vực núi cao dưới 0 độ C và xuất hiện băng, tuyết. Đợt không khí lạnh này còn kết hợp hoạt động của rãnh gió Tây trên cao có khả năng gây ra mưa diện rộng ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ; rét nhất là ngày thứ 2, thứ 3 (25-26/1), nhiệt độ dao động trong ngày có thể chỉ 6-9 độ C.
Trước đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 23-27/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã có Công văn hỏa tốc số 81, ngày 22/1/2016 gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc; đặc biệt là trường học vùng nông thôn, miền núi, vùng cao về việc đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh.
Công văn nêu rõ, căn cứ vào tình hình thời tiết thực tế, các trường học chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học. Với cấp mầm non, tiểu học, nhà trường có thể cho nghỉ khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống. Học sinh THCS có thể được nghỉ khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C. Thời gian học trong những ngày rét đậm, rét hại sẽ được điều chỉnh sao cho các em không phải đến trường quá sớm.
Trong thời gian rét đậm, rét hại, lãnh đạo các nhà trường đặc biệt quan tâm đến những phòng học, phòng chức năng, phòng ăn, phòng bán trú... đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Trường mầm non phải có nước ấm, trường tổ chức bán trú phải đảm bảo đủ suất ăn, thực phẩm sạch, đồ ăn, nước uống nóng sốt, chỗ nghỉ trưa ấm áp, chuẩn bị thuốc men phục vụ công tác y tế học đường. Các trường không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời; không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày giá rét...
Hạnh Chi