23 giờ, chợ đầu mối Kim Đông đã bắt đầu có người. So với thời điểm khác trong năm, thì khoảng thời gian giáp Tết, phiên chợ có phần ít người mua - bán hơn do sản lượng thủy sản thu hoạch ít. Anh Trần Văn Hoan, một thương lái quê ở huyện ý Yên ( Định) vừa tới nơi đã vội vã chuẩn bị các vật dụng thiết yếu để chuẩn bị nhập hàng. Xúyt xoa khi chạm tay vào chậu nước lạnh buốt, anh Hoan cho biết: Tôi lấy hàng ở chợ Kim Đông từ nhiều năm nay. Mỗi ngày, tùy theo đơn hàng mà tôi nhập nhiều hay ít. Có ngày cao điểm, tôi lấy từ 4-5 tạ tôm, cua đi phân phối cho các nhà hàng ở Nam Định. Cũng có nhiều nơi bán hải sản với số lượng lớn như Nam Định, Thanh Hóa… nhưng hải sản ở Kim Sơn vẫn được lòng khách hàng nhất, vì khi lên các món, hải sản ở đây thơm ngon, chắc thịt, lại đậm đà. Vì vậy, dù mất tới 2 tiếng đồng hồ để từ nhà đến chợ Kim Đông, anh Hoan vẫn hiếm khi nghỉ buổi chợ nào.
Cô Phạm Thị Hiên, nhà ở xã Kim Trung là chủ hàng quen thuộc của anh Hoan. Hôm nay, cô Hiên có hàng hơi muộn vì chồng cô phải đi thu gom ở khá nhiều đầm. Để có những mẻ tôm tươi cung cấp đến các chợ đầu mối, từ 10 giờ đêm, gia đình cô Hiên đã đến các bờ đầm để thu mua và vận chuyển đến chợ đầu mối Kim Đông. Vào vụ chính, mỗi đêm vợ chồng cô phân loại và bán cho bạn hàng từ 4-5 tạ tôm… Tuy nhiên, dịp cuối năm, mặc dù nhu cầu tiêu thụ lớn nhưng do trời rét nên không có nhiều hàng. "Tôm không chịu được thời tiết lạnh, bởi thế mà trước đây, cứ vào tầm tháng 11 âm lịch trở đi thì chợ Kim Đông cũng… nghỉ Tết sớm vì không có hàng. Nhưng những năm gần đây, người nuôi tôm ở Kim Sơn đã chuyển dần sang nuôi công nghiệp với hệ thống bạt và mái che hiện đại. Vì vậy, dù không nhộn nhịp, đa dạng các chủng loại hải sản như những tháng 3,4,5 trong năm, nhưng chúng tôi vẫn có nguồn hàng để bán. Ngày nào nhiều thì gom được 3-4 tạ, còn ít nhất cũng được hơn tạ tôm. Tất nhiên, do hàng ít nên giá tôm cũng cao hơn so với thời điểm chính vụ khá nhiều, do vậy cả người nuôi, người bán đều rất phấn khởi"- cô Hiên nói.
Vừa trò chuyện, cô Hiên vừa thoăn thoắt phân loại tôm theo trọng lượng để khách mua nhanh chóng, thuận tiện. Cô Hiên kể rằng, cái nghề buôn bán về đêm này vất vả lắm. Lúc mọi người bắt đầu chìm vào giấc ngủ thì đó lại là thời điểm những người làm thủy sản bắt đầu hoạt động. ở các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn, mọi người sống chủ yếu dựa vào nghề nuôi trồng thủy sản. Những hộ không nuôi thì đi làm thuê hoặc buôn bán. Dù ở công đoạn nào thì cũng chủ yếu hoạt động vào ban đêm và cùng gặp nhau ở chợ đầu mối. Vất vả là vậy, nhưng cái nghề này đã giúp vợ chồng cô Hiên nuôi 3 người con trưởng thành. Giờ, chẳng còn nặng về mưu sinh nữa, nhưng vợ chồng cô cũng chưa có ý định nghỉ chợ. "Còn sức khỏe thì chúng tôi sẽ còn lao động. Được nếm trải thành quả của một ngày lao động vất vả thực sự là một cảm giác rất tuyệt vời. Đi chợ, chúng tôi được kết nối thêm nhiều mối quan hệ giúp đỡ, chia sẻ với nhau cho cuộc sống thêm ý nghĩa hơn. Trong những phiên chợ cuối năm, chúng tôi tranh thủ hỏi thăm về công tác chuẩn bị đón Tết, những dự định cho một năm mới sắp về"- cô Hiên nói.
1 giờ sáng, không khí mua bán ở chợ đầu mối Kim Đông bắt đầu sôi động, hối hả. Những mẻ tôm còn tươi rói đã tấp nập về chợ để bán cho các lái buôn. Lúc này, thương lái ở các tỉnh Định, Hà Nam, Hà Nội, Thanh Hóa…cũng nườm nượp đỗ bến để phân loại tôm, cua. Không phải mặc cả về giá, không có sự tranh giành khách… hoạt động buôn bán diễn ra rất êm đềm, trật tự.
Chị Nguyễn Thị Lan là một trong những người buôn bán tôm trẻ nhất ở chợ Kim Đông. Lan tốt nghiệp đại học, đi làm việc ở khá nhiều nơi, song cuối cùng lại trở về quê hương và cùng chồng gắn bó với nghề buôn tôm để gây dựng kinh tế gia đình. Một buổi làm việc của vợ chồng Lan bắt đầu từ 9 giờ tối, sau khi đã gửi hai con nhỏ cho ông bà nội. Chị Lan cho biết: Trước kia, bà con họp chợ ở ngay ngoài đường quốc lộ, ảnh hưởng nhiều đến trật tự an toàn giao thông. Năm 2015, được xã quy hoạch, xây dựng khu chợ Kim Đông trở thành đầu mối, là nơi giao thương thủy, hải sản của ngư dân các xã bãi ngang Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, huyện Kim Sơn. Chợ có tổng diện tích gần 900m2, do nằm trên đường ĐT 481 và gần bến xe, nên thuận lợi cho việc thu mua, vận chuyển thủy sản. Vào vụ chính, chợ đầu mối Kim Đông bắt đầu từ 23h đêm hôm trước và kết thúc vào 4h sáng hôm sau, mỗi ngày phân phối đi các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh gần 8 tấn thủy, hải sản. Có chợ để tụ họp mỗi đêm, cuộc sống của bà con nhân dân các xã bãi ngang được cải thiện nhiều. Không có điều kiện để đầu tư nuôi trồng, không có vốn để kinh doanh buôn bán, nhiều người dân đi làm thuê cho các hộ nuôi với mức thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày. "Cuộc sống của người dân vùng ven biển khác xưa nhiều lắm. Bà con không còn phải vật lộn tìm kế mưu sinh nữa. Chỉ cần chăm chỉ, chịu thương chịu khó thì không lo gì nghèo đói. Thu nhập ổn định giúp ngư dân yên tâm sản xuất và quyết tâm bám biển - chị Lan vui vẻ chia sẻ thêm.
Đào Hằng