Bước vào mùa nắng nóng, một ngày làm việc của ông Nguyễn Văn Nhu- đại diện hộ nhận khoán rừng ở xã Yên Sơn bắt đầu từ sáng sớm. Hơn 20 năm gắn bó với khu rừng, mỗi vạt cây, lối mòn… đều đã trở thành những kỷ niệm khó quên đối với ông. Theo chân ông Nhu, chúng tôi vào khu rừng thông ở xã Yên Sơn. Con đường quanh co, uốn lượn dẫn chúng tôi đi tới những vạt rừng xanh thẳm. Ông Nhu cho biết: cả khu rừng phòng hộ này có diện tích hơn 30ha, trước đây, để đi tuần hết khu rừng này phải mất vài tiếng đi bộ. Nhưng giờ chỉ mất chừng 1 tiếng đồng hồ đi xe máy, ông đã có thể tuần tra kỹ lưỡng toàn bộ khu rừng này. Khu rừng này chủ yếu là cây thông. Lá thông rụng phân hủy chậm dẫn đến thảm thực bì dầy, lượng nước trong lá thông ít, thân cây lại có dầu kết hợp với các loại cây cỏ khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng trong những ngày nhiệt độ cao. Vì vậy, thời điểm mùa nắng nóng này,anh em trong đội làm nhiệm vụ bảo vệ rừng phải tăng cường công tác tuần tra, p thời phát hiện và xử lý ngay những nguy cơ có thể gây cháy rừng.
Mùa này, rừng thông Yên Sơn đẹp như một bức tranh. Những tán lá của nhiều loài cây cùng đan kín, tạo nên một màu xanh trải dài trong nắng. Nhìn những vạt cây mới được gieo trồng năm nào, nay đã vươn cao tỏa bóng mát, ông Nhu không giấu được xúc động. Thanh xuân của ông là những cuộc hành quân xuyên rừng cùng đồng đội, đồng chí. Rừng chở che, rừng nuôi sống những người lính can đảm… Vì vậy, với ông Nhu, rừng quan trọng như chính hơi thở vậy. Xuất ngũ về địa phương, ông xin nhận khoán rừng để có cơ hội chăm sóc, bảo vệ cho khu rừng này. Có những thời điểm, người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng như ông Nhu gặp nhiều khó khăn do ý thức, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng còn hạn chế. Người dân vào rừng đốn củi, đốt lửa bắt ong, những tốp thanh niên thì chọn rừng để tổ chức các buổi dã ngoại, đốt lửa nấu nướng… đe dọa sự bình yên cho vạt rừng già. Nhưng giờ, thì khác mọi người dân cũng giốngg ông Nhu, đều rất trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng.
Ông Nhu dẫn chúng tôi tới thăm một ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, chủ nhân của ngôi nhà là ông Bùi Văn Kháng. Ông Kháng là đời thứ hai trong gia đình sinh sống ở nơi đặc biệt này và trở thành "kênh" tuyên truyền rất hiệu quả cho công tác bảo vệ rừng ở Yên Sơn "Tôi được sinh ra ở đây, lớn lên cùng với cỏ với cây. Bởi vậy, mà tâm hồn hòa quyện với thiên nhiên, tình yêu đối với rừng của tôi rất lớn lao, chung thủy. Thường ngày, mọi sinh hoạt của gia đình đều phải rất thận trọng, nhất là với củi lửa để tránh gây ra cháy rừng. Những lúc rảnh, tôi cũng đi kiểm tra rừng, phát hiện những nguy cơ gây cháy để báo với ban bảo vệ rừng, kịp thời xử lý. Trước đây, người dân sống xunh quanh rừng thường vào rừng lấy củi, săn bắt… tôi kiên trì vận động, giải thích để bà con hiểu lợi ích của rừng, để từ đó chung tay bảo vệ"- ông Kháng chia sẻ.
Thành phố Tam Điệp hiện có trên 2.600 ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ núi đá và sản xuất. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tam Điệp Trần Xuân Cảnh cho biết: Trước đây, cuộc sống của người dân ven rừng khó khăn, họ bám vào rừng mà sống nhờ lấy củi, chặt cây bán, tìm tổ ong… nên công việc của kiểm lâm rất vất vả. Việc tuần tra, bảo vệ rừng phải thực hiện thường xuyên không kể ngày hay đêm. Đa số, bà con do nghèo, do nhận thức còn hạn chế mà phá rừng. Nên phương pháp của chúng tôi là phải gần gũi với bà con để làm công tác tuyên truyền, vận động. Những lúc rảnh rỗi, anh em kiểm lâm lại rủ nhau vào các thôn lân cận chơi, tiếp xúc với người dân để lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của họ, cùng làm việc để hướng dẫn họ cách phát triển kinh tế và nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Vận động nhân dân chuyển từ trồng cây ngắn ngày sang loại cây dài ngày cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con cũng hiểu và chung sức với kiểm lâm, Ban lâm nghiệp của các xã để cùng nhau bảo vệ rừng. Đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, chủ rừng và người dân trên địa bàn thành phố đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm phòng là chính.
Đặc biệt, để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm Tam Điệp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Triển khai thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống cháy rừng. Ngoài ra, trong các tháng vừa qua, Hạt đã hướng dẫn, chỉ đạo các hộ nhận khoán phát dọn thực bì làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng thông. Tuyên truyền, vận động các hộ nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, người dân trên địa bàn chủ động thực hiện các quy định về bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Bổ sung nhiều trang thiết bị như máy thổi gió, dao phát thực bì… phục vụ phòng chống cháy rừng. Những ngày thời tiết nắng nóng, Ban lâm nghiệp các xã, phường thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ trong ngày. Hạt Kiểm lâm Tam Điệp phối hợp với các xã có rừng tăng cường kiểm tra các khu rừng trọng điểm, kiểm soát nguồn lửa đem vào rừng, kịp thông báo tình hình thời tiết, cấp cháy rừng đến các phòng, ban chuyên môn, các trạm bảo vệ rừng trực thuộc và các hộ tham gia nhận khoán đất lâm nghiệp và rừng trên địa bàn để chủ động bố trí lực lượng, dụng cụ, phương tiện, sẵn sàng tác chiến bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng.
Bài, ảnh: Đào Hằng