Mô hình quản lý, khai thác mới Chợ Bút thuộc xã Yên Mạc (Yên Mô) được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước và giao cho UBND xã Yên Mạc quản lý. Trước tình trạng chợ đã xuống cấp nghiêm trọng (Nhà dột nát có nguy cơ đổ sập khi có gió bão; nền chợ thấp, thoát nước kém thường bị úng ngập mỗi khi có mưa), UBND huyện Yên Mô đã phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình lập phương án chuyển đổi hình thức quản lý chợ cũng như xây dựng lại chợ. Đơn vị đầu tư xây dựng và quản lý khai thác chợ (hình thức BOT) là Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 13 tỷ đồng.
Chợ mới được xây dựng trên nền chợ cũ diện tích trên 8.100 m2 với các hạng mục là: 2 đình chợ chính có 64 quầy hàng, mỗi quầy 13 m2 được bố trí cho các ngành hàng quần áo, vải , giày dép, tạp hóa; 13 ki ốt, mỗi ki ốt có diện tích 18 m2 được bố trí cho hàng nhựa, nhôm, sành sứ; 184 sạp hàng chia thành các khu bố trí cho các ngành hàng hoa quả, hàng mã, lương thực, thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt cá, tôm, cua...); 114 điểm bán hàng ngoài trời dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh không thường xuyên.
Ngoài ra còn xây dựng các hạng mục khác: Bãi gửi xe, nhà quản lý, nhà vệ sinh, tường rào, bể nước, khu tập kết rác thải, đường giao thông trong chợ... Thời gian hoàn thành xây dựng giai đoạn I trong 10 tháng.
Giai đoạn II tùy theo nhu cầu của nhân dân và tiểu thương trong vùng sẽ tiếp tục đầu tư. Trong thời gian xây dựng, các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ được chuyển sang kinh doanh tại khu đất dùng để xây dựng chợ ở giai đoạn II.
Quỹ cũng đã xây dựng phương án bố trí sắp xếp vị trí kinh doanh; phương án quản lý, khai thác chợ trong 3 năm đầu, sau khi hoàn thành xây dựng.
Trên cơ sở sơ đồ mặt bằng chi tiết về vị trí và số lượng vị trí kinh doanh được niêm yết công khai và được phân theo ngành hàng, nhóm hàng từ thuận lợi đến không thuận lợi; các tiểu thương đã kinh doanh tại chợ hoặc mới có nhu cầu kinh doanh tại chợ đăng ký với Quỹ thuê vị trí kinh doanh theo phương án quản lý, khai thác chợ đã được phê duyệt; rút thăm xác định vị trí kinh doanh cho từng ngành hàng.
Từ năm thứ 2 đến năm thứ 3 tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và hiệu quả kinh doanh có thể điều chỉnh giá thuê các vị trí tại chợ; nhưng trước đó phải họp, thông báo, thống nhất với các tiểu thương với mức tăng không quá 10% so với năm trước và mỗi năm chỉ điều chỉnh không quá 1 lần.
Từ năm thứ 4 trở đi, giá thuê vị trí kinh doanh do Quỹ và các hộ tiểu thương thỏa thuận trên cơ sở các quy định của nhà nước và sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Các khoản thu thuế, phí, lệ phí khác thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước.
Quỹ cũng có chính sách hỗ trợ cho các tiểu thương thuộc đối tượng là thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ, người nhiễm chất độc da cam. Các tiểu thương có thể lựa chọn theo phương án thuê vị trí kinh doanh trả tiền trước trong 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm, khi đó giá thuê được tính tại thời điểm của năm đầu và ổn định không đổi trong suốt thời gian đã nộp tiền.
Lãnh đạo Quỹ đầu tư và phát triển Ninh Bình cho biết: mặc dù theo Quyết định của UBND tỉnh, Quỹ sẽ quản lý, khai thác công trình tới 49 năm, nhưng Quỹ sẽ thực hiện chuyển giao chợ cho xã quản lý khi địa phương bố trí được kinh phí chuyển trả đảm bảo thu hồi đủ vốn và bù đắp chi phí với sự đồng ý chuyển giao của UBND tỉnh hoặc khi Tỉnh đồng ý bố trí kinh phí đảm bảo thu hồi vốn và bù đắp chi phí cho Quỹ.
Đưa chợ vào khai thác dịp cuối năm
Là người kinh doanh ở chợ ngay từ những ngày đầu, bà Nguyễn Thị Hải, Tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ tâm sự: Chợ đã bị xuống cấp nghiêm trọng (dột nát, ngập úng...) ảnh hưởng đến an toàn và kinh doanh của các tiểu thương, nhất là khi có mưa to gió lớn. Vào ngày nắng thì bụi và bẩn... Việc xây dựng lại chợ là điều mong mỏi từ lâu của nhân dân trong vùng và các hộ kinh doanh tại chợ.
Chúng tôi mong muốn công trình hoàn thành sớm và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Bính Thân nhằm phục vụ cho nhân dân mua bán trong dịp Tết. Chúng tôi cũng cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước cũng như nội quy, quy định của Quỹ khi quản lý khai thác chợ.
Về tiến độ thi công, đại diện nhà thầu (Công ty TNHHĐT&XDTM Việt Cường), ông Lương Ngọc Niên chia sẻ: Sau hơn 2 tháng triển khai kể từ ngày khởi công, đến ngày 15-9 Doanh nghiệp đã hoàn tất các công việc của phần ngầm, gồm móng và nền của 2 đình chợ (nền chợ được tôn cao tới trên 1 m so với nền cũ), bể nước, bể phốt, nhà vệ sinh, nhà điều hành, hệ thống thoát nước...
Các hạng mục đang xây dưng: Đổ cột đình chợ, tường bao, các ki ốt. Quá trình thi công có thuận lợi nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ngành, nhất là chủ đầu tư đã bàn giao mặt bằng sạch ngay từ đầu cho nhà thầu; việc vận chuyển nguyên vật liệu bằng đường thủy, bộ thuận lợi.
Tuy nhiên chợ nằm trong khu dân cư nên việc vận chuyển nguyên liệu và nhất là sau khi tôn nền vào những ngày mưa nước đọng ảnh hưởng đến nhà dân xung quanh, mặc dù doanh nghiệp đã tìm cách để khắc phục.
Mỗi ngày doanh nghiệp đã bố trí trên 30 lao động tham gia xây dựng và phấn đấu đến tháng 12 sẽ hoàn thành; đảm bảo chất lượng công trình.
Ông Vũ Quang Dung, Chủ tịch UBND xã Yên Mạc cho biết: Chợ có tổng diện tích gần 12.500 m2 và hơn 300 hộ kinh doanh tại chợ (224 hộ thường xuyên, 80 hộ không thường xuyên) Đây là trung tâm mua, bán của xã Yên Mạc và các xã phía nam huyện Yên Mô; là một trong 2 chợ đầu mối của huyên Yên Mô.
Việc xây dựng lại chợ là mong muốn từ lâu của Đảng ủy, UBND xã và nhân dân trong vùng. Chợ hoàn thành đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy giao thương mua bán cho nhân dân trong vùng, tạo đà cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã và trong vùng.
Trên cơ sở đó giúp cho xã hoàn thành các tiêu chí được coi là khó: Thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo...trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đây cũng là một trong số các công trình được huyện Yên Mô chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Đinh Chúc