Dưới sự "tiếp sức" của chương trình 135, diện mạo 5 xã đặc biệt khó khăn ở huyện miền núi Nho Quan đã có sự khởi sắc với hệ thống điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Tuy vậy, mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo được đánh giá là vẫn còn dàn trải, chưa tạo ra những cú hích mạnh giúp người nghèo vươn lên.
Đồng chí Đinh Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình (Nho Quan) cho biết: Thạch Bình là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong số 5 xã thuộc chương trình 135 của huyện Nho Quan. Năm 2017 là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với công tác xóa đói giảm nghèo của xã. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 10,41%, chỉ giảm được 0,68% so với năm 2016, không đạt mục tiêu đề ra. Đáng lo ngại là tình trạng tái nghèo ở mức khá cao.
Cụ thể, trong khi chỉ có 63 hộ thoát nghèo thì có đến 47 hộ tái nghèo. Trong số các hộ bị tái nghèo không chỉ có những hộ cận nghèo mà còn có cả những hộ có mức sống trung bình. Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình thì sở dĩ tình trạng tái nghèo cao bởi lẽ đời sống bà con chủ yếu là chăn nuôi vừa và nhỏ, thời gian qua do giá chăn nuôi sụt giảm nên nhiều bà con lỗ nặng.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đợt mưa lụt hồi đầu tháng 10 năm 2017 cũng là một nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng tái nghèo… Vì trên thực tế, công tác xóa đói, giảm nghèo ở Thạch Bình chưa thực sự bền vững. Nếu chỉ gặp thiên tai, tai nạn hay ốm đau bệnh tật… mất đi nguồn thu cơ bản thì người dân rất dễ rơi xuống hộ nghèo. "Thực tế cho thấy, công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo bền vững ở xã Thạch Bình còn quá nhiều khó khăn.
Bên cạnh nỗ lực phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững của bà con nhân dân thì xã Thạch Bình đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tìm ra những giống cây, con phù hợp với điều kiện, đồng đất của địa phương và đặc biệt là có thể đưa nghề phù hợp về với bà con địa phương. Chỉ khi có nghề với nguồn thu nhập ổn định thì người dân mới có thể thoát nghèo bền vững"- đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình trăn trở.
Và tin mừng đã đến với các hộ nghèo thuộc các xã 135 khi mới đây, căn cứ Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 9/10/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND "Về việc quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phương tiện nghe-xem thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" tại kỳ họp thứ bảy (tháng 4/2018). Mục tiêu của Nghị quyết là thay thế cách hỗ trợ dàn trải bằng phương pháp hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, thực sự tạo đà cho người nghèo vươn lên với mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5-2,5% đối với các xã 135.
Theo Nghị quyết, công tác hỗ trợ hộ nghèo thuộc các xã 135 đã có sự thay đổi theo hướng có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả. Theo đó, hộ nghèo, cận nghèo tại các xã 135 sẽ được phân hóa thành các đối tượng cụ thể như đối tượng nghèo thuộc diện bảo trợ, hộ nghèo có lao động… để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đối với hộ nghèo có lao động, nếu cam kết vươn lên thoát nghèo thì được nhận hỗ trợ từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với mức hỗ trợ cụ thể là một con bò sinh sản, hoặc máy nông cụ để phát triển sản xuất…, tổng mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/hộ.
Đối với việc hỗ trợ trâu, bò sinh sản, nếu như ở một số tỉnh khác, việc hỗ trợ được thực hiện 50/50, nghĩa là đối tượng nhận hỗ trợ phải hoàn trả bò sau khi bò sinh sản thì ở tỉnh ta, sự hỗ trợ này là tuyệt đối, đối tượng không phải hoàn trả lại trâu, bò. Đối với những hộ nghèo không có sức khỏe, không có nhân lực lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ Dự án đa con nuôi phù hợp, với mục tiêu hỗ trợ người nghèo cải thiện cuộc sống.
Đánh giá cụ thể sự thay đổi phương pháp hỗ trợ này, đồng chí Đinh Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết, mặc dù xã thuộc đối tượng của chương trình 135, hàng năm đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước để xây dựng, sửa chữa và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất thiết yếu như điện, đường, trường, trạm… Tuy mức hỗ trợ không nhiều, nhưng mỗi năm địa phương lựa chọn những hạng mục thiết yếu để đầu tư. Không thể phủ nhận ý nghĩa của Chương trình 135 đã tạo nguồn lực quan trọng để xã Thạch Bình có được hệ thống cơ sở vật chất khá khang trang, đầy đủ như hiện nay.
Tuy vậy, công tác giảm nghèo vẫn là một thách thức lớn. Cũng theo chương trình 135, những hộ nghèo, cận nghèo hàng năm đều nhận được sự hỗ trợ là… 50 con gà cùng thuốc thú y, thức ăn. Tính riêng như năm 2016, xã Thạch Bình có 800 hộ nghèo và cận nghèo được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao, khó có thể thoát nghèo, thậm chí nhiều hộ còn… lỗ vốn do chăn nuôi không hiệu quả.
Đồng chí Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nho Quan cho biết: Hiện nay, ở huyện Nho Quan có 5 xã, 24 thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng số hộ nghèo là 1.025 hộ, trong đó có 633 hộ nghèo có lao động, có khả năng đối ứng vốn và 392 hộ không có lao động. Khác với những năm trước, năm nay, chương trình hỗ trợ có một thông điệp rất rõ ràng đó là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không cào bằng, dàn trải theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh. Để việc hỗ trợ thực sự có hiệu quả, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đến các xã 135.
Để đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, đúng đối tượng, các hộ nhận hỗ trợ phải sử dụng máy móc, vật nuôi để phát triển sản xuất, chăn nuôi chứ không được bán, chuyển nhượng cho hộ khác và phải cam kết vươn lên thoát nghèo khi tham gia dự án này. Theo dự án, 306 hộ nghèo có lao động được nhận hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế; 71 hộ nghèo có lao động được nhận hỗ trợ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đối với những hộ không có lao động hoặc có lao động nhưng chưa tham gia dự án thì được hỗ trợ gà giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y với mục tiêu cải thiện cuộc sống cho những hộ thuộc đối tượng này. Với phương thức hỗ trợ mới hy vọng sẽ là cơ sở để các hộ nghèo, hộ cận nghèo của các xã 135 vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Đào Hằng