Ở cương vị là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Gia Xuân, nơi có địa hình đất trũng, cao thấp không đồng đều; hàng năm sản xuất hai vụ lúa, năng suất lại không cao, chị luôn trăn trở, tìm tòi, làm gì, làm thế nào để kinh tế phát triển. Năm 2003 thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc dồn điền đổi thửa, chị Phấn cùng ban chỉ đạo đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chuyển đổi diện tích trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản, gia cầm, thủy cầm.
Chị tâm sự: "Bao giờ cũng vậy, muốn cho dân hiểu, dân tin, dân làm theo thì phải cho dân biết, dân thấy. Nên ngay khi có chính sách dồn điền, đổi thửa, tôi đã mạnh dạn nhận gần 1 ha đất vùng ruộng trũng trồng lúa khó khăn; bỏ vốn, công sức ra cải tạo đào ao, tôn bờ, làm nền, đưa tôm càng xanh vào nuôi thử nghiệm".
Chị Phấn cho biết thêm, hiện trong ao của chị đang có khoảng 6 vạn con tôm, 10 vạn con cá chép lai ba máu, bây giờ chỉ đợi gặt xong là tát ao rồi thả ra ruộng. Nuôi đến tháng 11, 12 là tôm bắt đầu cho thu hoạch, cứ 1 vạn tôm giống thả ra sẽ thu về 1 tạ tôm thịt, với giá bán như năm ngoái là 80 nghìn đồng/kg thì sau mỗi vụ chị cũng thu lãi trên 25 triệu đồng.
Ngoài nguồn thu chính từ nuôi tôm chị còn nuôi thêm cá chép giống, cùng lúc thả tôm bột, chị tận dụng diện tích ao nuôi thả thêm khoảng 10 vạn con cá chép, khi nào tát ao, thả tôm ra ruộng, chị thu hoạch luôn cá chép bán cho các hộ làm cá giống. Chỉ trong vòng 2 tháng chị có thể thu về trên dưới 10 triệu đồng. Như vậy một năm với gần 1 ha ruộng, chị thu được 50 triệu đồng.
Từ mô hình sản xuất của chị Phấn, hiện nay, ở xã Gia Xuân đã có nhiều hộ áp dụng mô hình này, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, không phải là không có những hộ gặp thất bại, bởi không giống như trồng lúa, nuôi tôm cần một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, vốn đầu tư lớn. Không ít hộ lấy kinh nghiệm trồng lúa hoặc nuôi cá để áp dụng cho con tôm, dẫn đến thất bại.
Theo lời của chị Phấn thì nuôi tôm phải rất cẩn thận, tỉ mỉ, nếu cẩu thả tôm sẽ chết hàng loạt. Ban đầu phải tát cạn ao, vét sạch bùn, phơi khô đáy ao, xử lý vôi bột (cứ 1 sào ao thì sử dụng 10 kg vôi bột để khử trùng và khử chua), cuối cùng là rắc phân mục. Cho tôm ăn cũng cần có kỹ thuật, nên cho thức ăn vào lưới để kiểm tra, nhấc lưới lên nếu thấy thức ăn vẫn còn thì phải dừng ngay tránh để thức ăn thừa làm thối nước ao, còn nếu tôm ăn hết thì có thể cho ăn thêm. Nhờ nắm chắc kỹ thuật nên 4 năm liền ao tôm của chị không bị bệnh, tôm phát triển tốt và cho năng suất cao. Với những kinh nghiệm vốn có chị luôn luôn sẵn sàng chia sẻ với những ai đến muốn tìm hiểu, học hỏi, giúp họ làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Không chỉ giỏi trong sản xuất kinh tế, chị Phấn còn là một cán bộ HTX tận tụy, nhiệt tình trong công việc. Từ năm 2001 đến nay với cương vị là một người chủ nhiệm, chị đã góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất cây trồng, chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, phát triển cây vụ đông ở HTX, thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa. Chị được UBND các cấp khen thưởng, nhân dân trong xã tín nhiệm và yêu mến.
Nguyễn Lựu