Đây cũng là một trong những thành công của kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu với cử tri, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân trong tỉnh.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn là mối quan tâm hàng đầu của đa số cử tri, đặc biệt là việc người nông dân vẫn mua phải vật tư nông nghiệp kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng, con nuôi. Nhận trách nhiệm về vấn đề này, ông Trần Văn Bách, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hàng năm, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, thành lập đoàn kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp và đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra để đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp cung ứng tại địa phương. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thống kê, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng vật tư theo quy định. Tổ chức tập huấn cho 335/425 cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; tập huấn cho hơn 7.000 người tham gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phòng trừ dịch hại trên cây trồng…
Đặc biệt, đã tiến hành thanh tra và kiểm tra 23 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lúa giống, phân bón. Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ thuốc BVTV tại 35 cửa hàng buôn bán thuốc. Nhìn chung, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, chưa phát hiện thấy hàng giả, hàng kém chất lượng giống, phân bón, thuốc BVTV ngoài danh mục, đảm bảo theo quy định của Nhà nước. Riêng vụ đông xuân 2012-2013, trên địa bàn huyện Gia Viễn đã xảy ra hiện tượng giống lúa Nhị ưu 838 do Công ty TNHH Nam Dương cung ứng có tỷ lệ nảy mầm thấp, Sở đã tiến hành kiểm tra, làm việc với Công ty, kịp thời giải quyết, không để ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Ngoài ra, đã nhắc nhở một số cửa hàng nhỏ lẻ chưa dán tem, nhãn mác phụ hoặc bán giống không rõ nguồn gốc, không hóa đơn, thiếu hồ sơ chất lượng lúa giống. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong kinh doanh vật tư nông nghiệp nhằm ổn định thị trường. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân lựa chọn những sản phẩm tại các cửa hàng có uy tín và mua sản phẩm của các thương hiệu lớn, không mua hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ, nguồn gốc để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Tiếp tục đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả cho công tác thanh tra.
Tham gia chất vấn tại kỳ họp, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến khác liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như tình trạng kém chất lượng của việc cấp nước sinh hoạt tại một số địa phương…
Đăng đàn chất vấn tại kỳ họp còn có lãnh đạo Sở Công thương. Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương đã trả lời về việc hiện nay một số điểm trên địa bàn thành phố Ninh Bình và các huyện, thành phố, thị xã việc bày bán mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn diễn ra công khai, không đúng quy định của Nhà nước. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, lãnh đạo Sở Công thương cho biết: Từ năm 2008 đến năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, tịch thu và tiêu hủy 1.240 mũ bảo hiểm các loại. Riêng năm 2013, từ tháng 3 đến tháng 6, các đơn vị đã tổ chức kiểm tra 70 cơ sở kinh doanh, xử lý 51 cơ sở vi phạm, tiêu hủy 381 mũ bảo hiểm, giá trị do phạt hành chính và tiêu hủy là 63 triệu đồng.
Cũng trong năm 2013, Sở Công thương đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh xem xét đồng ý cho 3 doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng; tổ chức các chương trình đổi mũ bảo hiểm cũ lấy mũ bảo hiểm mới, giảm giá cho các đối tượng chính sách. Qua các chương trình này đã thu đổi được 6.500 mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn một số cơ sở bày bán mũ bảo hiểm kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn. Nguyên nhân do đây không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, các hộ kinh doanh chủ yếu là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước còn kém; lực lượng kiểm tra thị trường chưa tổ chức kiểm tra thường xuyên, nhất là sau thời điểm Luật Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực (1-7-2013) nhưng chưa có hướng dẫn thi hành luật thì không tổ chức kiểm tra, xử lý nên đã tạo kẽ hở cho một số cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng hoạt động; vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ chưa ý thức được việc sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ cho chính bản thân mình, còn mua mũ bảo hiểm rẻ tiền, dễ sử dụng (mũ thời trang), dễ bảo quản; việc phối hợp để tuyên truyền, vận động người dân ý thức mua và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn chưa thường xuyên.
Để khắc phục tình trạng trên, bà Phạm Thị Hồng đưa ra một số giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức nhận biết và mua mũ bảo hiểm đạt chất lượng để bảo vệ cho chính bản thân mình. Chi cục Quản lý thị trường xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra chặt chẽ thị trường kinh doanh mũ bảo hiểm. Đồng thời đẩy mạnh công tác hậu kiểm đối với những cơ sở vi phạm hành chính; công khai danh sách các cơ sở vi phạm nhiều lần trên phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng; tổ chức các chương trình thu đổi mũ bảo hiểm cũ lấy mũ bảo hiểm mới. Để thực hiện tốt các giải pháp trên, Sở Công thương đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, dán tem hợp quy, lấy mẫu giám định đối với các sản phẩm mũ bảo hiểm có nghi ngờ về chất lượng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về việc quản lý tem CR.
Trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu về chính sách khuyến khích tài năng và thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh Ninh Bình theo Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND, đến nay sau gần 2 năm thực hiện, tỉnh ta vẫn chưa thu hút được bác sỹ, dược sỹ có trình độ đại học trở lên về công tác tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, cơ sở y tế tuyến xã. Ông Ngô Văn Nguyên, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đã tuyển dụng được 264 người, riêng bác sỹ, dược sỹ trình độ đại học trở lên là 103 người (chiếm tỷ lệ 39% tổng số người được thu hút). Trong khi đó, căn cứ chỉ tiêu biên chế sự nghiệp y tế được giao năm 2013 theo định mức hiện hành thì còn thiếu 230 người. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu sử dụng bác sỹ, dược sỹ trong những năm gần đây tăng nhiều, trong khi nguồn đào tạo chưa kịp đáp ứng đủ; nguồn bác sỹ, dược sỹ có xu hướng dịch chuyển từ xã lên huyện, từ các tỉnh về các thành phố lớn…
Để khắc phục cơ bản tình trạng này, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và môi trường công tác tốt để thu hút bác sỹ, dược sỹ (dự kiến trung bình mỗi năm tỉnh ta thu hút được 40-50 người); cử đi đào tạo theo địa chỉ sử dụng, song đến nay chủ trương này đã tạm dừng. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Sở đề nghị UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh đồng ý để Sở Y tế và Sở Nội vụ được vận dụng Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh để tuyển dụng theo hình thức đặc cách đối với số bác sỹ, dược sỹ được cử đi đào tạo theo địa chỉ sử dụng.
Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo và sử dụng của tỉnh, động viên cán bộ, công nhân viên chức, nhân viên y tế cơ sở đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Như vậy, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trong thời gian từ nay đến 2016, tỉnh ta sẽ cơ bản khắc phục được việc thiếu bác sỹ, dược sỹ.
Từ những trả lời chất vấn đã cho thấy sự cố gắng của các sở, ngành trong công tác quản lý, điều hành, giải quyết những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri. Cử tri mong muốn thủ trưởng các sở, ngành tiếp tục có những giải pháp tích cực, quyết liệt hơn để thực hiện các nội dung đã cam kết khi trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước và kỳ họp này một cách có hiệu quả.
Đinh Ngọc-Duy Hiền