Chất lượng Giáo dục - đào tạo không ngừng được nâng lên
Thứ Năm, 17/03/2022, 05:40
Zalo
Từ năm tái lập tỉnh đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực, thực hiện đổi mới đồng bộ, tạo bứt phá lớn về chất lượng, công tác phổ cập giáo dục, tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục của học sinh.
Chất lượng Giáo dục - đào tạo không ngừng được nâng lên
Hệ thống trường lớp được quy hoạch hợp lý, xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia; đội ngũ nhà giáo được tăng cường về số lượng, trình độ nghiệp vụ... Với những kết quả đã đạt được, Ninh Bình đã khẳng định vị thế vững chắc trong tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục và đào tạo.
Khi mới tái lập tỉnh, năm học 1991-1992, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, quy mô ngành học, cấp học và trình độ đội ngũ chưa đủ về cơ cấu và chủng loại. Đây cũng là năm học đầu tiên thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII với nhiều đổi mới quan trọng.
Lúc này, toàn tỉnh có 142 trường cấp I, trong đó 67 trường phổ thông cơ sở chưa tách cấp I, cấp II; 137 trường cấp II và 15 trường cấp III, với tổng số học sinh ở tất cả các cấp học chưa đến 160 nghìn em. Tỉnh cũng chưa có màng lưới trường phổ thông dân lập. Chất lượng giáo dục năm học 1991-1992 cho thấy, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm khá, tốt chiếm từ 88-92%; chất lượng giáo dục văn hóa với tỷ lệ lên lớp ở cả 3 bậc học (tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học) đạt từ 70-85%, tỷ lệ tốt nghiệp đạt từ 97,2-99,7%.
Toàn tỉnh có 6/7 huyện, thị được công nhận phổ cập giáo dục, hàng năm Ninh Bình thanh toán mù chữ cho khoảng 2.000 người. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn và xuống cấp nghiêm trọng. Toàn tỉnh có 5/15 trường cấp III; 15/212 trường cấp I, cấp II có các phòng học cao tầng. Số trường học mới xây được tính trên đầu ngón tay với khoảng chục trường nhưng hầu hết là 1 tầng, còn lại các trường đều là nhà cấp 4. Phòng học thiếu nên học sinh phải học 2-3 ca/ ngày, bàn ghế không đảm bảo…
Với phương châm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm triển khai nhằm đẩy mạnh xây dựng trường học cao tầng, trường học kiên cố; đồng thời đổi mới công tác quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được học tập, trao đổi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quan tâm đến chất lượng mũi nhọn, chất lượng đại trà, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.
Một số mô hình giáo dục mới được triển khai với định hướng lấy học sinh làm trung tâm, góp phần phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học. Thúc đẩy mạnh mẽ công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa; động viên cán bộ, giáo viên bám trường, bám lớp thực hiện nhiệm vụ giáo dục địa phương miền núi, rút ngắn khoảng cách với giáo dục đồng bằng. Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, xây dựng kỷ cương nề nếp trường học; đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các nhà trường...
Kết quả sau 30 năm tái lập tỉnh, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Năm học 2021-2022, trên địa bàn tỉnh có 469 trường học các cấp, tăng 42,6%; với 7.481 lớp học, tăng 40,1% so với năm học 1991- 1992; đáp ứng nhu cầu trường, lớp học cho trên 242 nghìn học sinh các cấp.
Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THPT Kim Sơn A) xuất sắc giành ngôi quán quân cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" lần thứ 20 - năm 2020 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Ảnh sưu tầm
Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được nâng lên, Ninh Bình là tỉnh đứng thứ ba trong cả nước về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp được quan tâm, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho tỉnh. Chất lượng đội ngũ ngành Giáo dục được nâng lên, toàn ngành có 15.986 cán bộ, giáo viên, nhân viên, tỷ lệ nhà giáo có trình độ đạt chuẩn trở lên là 93,7%, trên chuẩn chiếm 33%, trong đó có 3 tiến sĩ, trên 600 thạc sĩ.
Với phương châm triển khai kịp thời, đúng trọng tâm, trọng điểm, toàn tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất trường lớp; hoàn thành việc xây dựng Trường THPT chuyên của tỉnh; số trường học đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; 100% số trường học các cấp có phòng ứng dụng công nghệ thông tin kết nối Internet tốc độ cao; trang thiết bị giáo dục đáp ứng ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Cơ sở vật chất ngành Giáo dục luôn được quan tâm đầu tư, đến nay tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 88,4%; toàn tỉnh có 148/153 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 96,7%; 113/145 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tỷ lệ 97,8%; 131/134 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 97,8% và 17/26 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 65,4%.
Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng lên rõ rệt. Điểm trung bình các bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia của tỉnh Ninh Bình liên tục nằm trong top dẫn đầu cả nước. 5 năm liền (từ năm 2017 đến năm 2021), tỉnh Ninh Bình liên tục xếp thứ ba toàn quốc về điểm trung bình các bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia.
Bên cạnh đó, thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được duy trì và ổn định ở mức cao; có học sinh trở thành quán quân Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Có nhiều tấm gương các em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi vươn lên tự khẳng định mình trong cuộc sống. Công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh.
Công tác khuyến học, khuyến tài ở các cấp, các ngành được quan tâm thực hiện như xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh... góp phần động viên, khích lệ, phát huy tài năng của con em Ninh Bình. Bên cạnh đó, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư và có sự tiến bộ vượt bậc.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 1 trường đại học, 4 trường cao đẳng và 4 trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Công tác hướng nghiệp, dạy nghề được quan tâm; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, phát huy vai trò là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.