Xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ Nghề đá mỹ nghệ ở Ninh Vân có từ lâu đời và là nghề mang lại nguồn thu chính cho người dân trong xã. Trên địa bàn Ninh Vân hiện có trên 80 doanh nghiệp lớn nhỏ và trên 450 hộ gia đình làm nghề chế tác đá với trên 1.000 lao động chuyên sản xuất và gần 1.000 lao động làm nghề buôn bán sản phẩm, vận chuyển và khai thác nguyên vật liệu.
Qua quá trình phát triển, sản phẩm đá mỹ nghệ của Ninh Vân đã vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên việc chưa xác lập quyền sở hữu trí tuệ đã gây ra nhiều khó khăn, nhất là việc phát triển sản phẩm trong thời kỳ hội nhập.
Ông Lê Văn Khánh, đại diện Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt, Chủ nhiệm dự án cho biết: Thông qua kết quả khảo sát, hiện nay sản phẩm đá mỹ nghệ của Ninh Vân tập trung vào thi công các công trình tâm linh, các thị trường trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận. Chỉ có 3% các doanh nghiệp là tự tìm kiếm thị trường ở các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Các doanh nghiệp trên địa bàn xã Ninh Vân ngoài việc cạnh tranh với nhau còn phải cạnh tranh với các sản phẩm của Thanh Hóa, Nghệ An, Huế… Điều đáng nói là các sản phẩm đá không được mang thương hiệu cá nhân, doanh nghiệp mà phải mang thương hiệu của đơn vị đặt hàng. Chứng tỏ rằng các doanh nghiệp chế biến đá tại Ninh Vân hiện nay đang làm gia công cho các thương hiệu khác. Quy mô và hiện trạng sản xuất trên địa bàn còn nhỏ lẻ, manh mún.
Các doanh nghiệp chưa có sự gắn kết trong sản xuất cũng như xuất khẩu, từ đó dẫn đến việc đơn vị đặt hàng ép giá và hạ giá thành sản phẩm. Đó là điều đáng tiếc khi xuất khẩu đá ra thị trường ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý của Hiệp hội Đá mỹ nghệ Ninh Vân chưa được hoàn thiện và chưa có sự gắn kết giữa các thành viên trong Hiệp hội. Mô hình quản lý còn lỏng lẻo và chưa phát huy hết hiệu quả của Hiệp hội trong việc phát triển thương hiệu cũng như uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt là kiến thức về sở hữu trí tuệ và thương hiệu ít được người dân quan tâm.
Do đó việc tạo dựng, phát triển thương hiệu "Đá mỹ nghệ Ninh Vân" trên thị trường làm gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm và thu nhập cho người sản xuất là điều rất cần thiết.
Trước thực tế đó, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt thực hiện Dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Ninh Vân" dùng cho các sản phẩm làm từ đá của xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình" và đơn vị quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể là Hiệp hội Đá mỹ nghệ Ninh Vân.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện dự án, tháng 4 năm 2016, nhãn hiệu tập thể "Đá mỹ nghệ Ninh Vân" đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ.
Phát huy hiệu quả công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể
Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Đá mỹ nghệ Ninh Vân" sẽ góp phần đảm bảo quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân. Ngăn chặn và phòng, chống các hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu tập thể. Từ đó góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Cùng với việc được cấp bằng bảo hộ về sở hữu trí tuệ, dự án đã xây dựng mô hình tổ chức, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Đá mỹ nghệ Ninh Vân" nhằm nâng cao giá trị và uy tín của nhãn hiệu tập thể hướng tới mở rộng thị trường, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Đồng thời thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể; thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm mang nhãn hiệu "Ninh Vân - đá mỹ nghệ Ninh Vân" dùng cho các sản phẩm đá của xã Ninh Vân; triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể như: phối hợp cùng với doanh nghiệp, người sản xuất, Hiệp hội làng nghề đá mỹ nghệ tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm và tìm kiếm địa điểm để bày bán và giới thiệu sản phẩm.
Tuy dự án đã triển khai thành công, nhưng việc áp dụng và đưa công cụ nhãn hiệu tập thể vào vận hành thực tế vẫn còn một số hạn chế như: Kiến thức về nhãn hiệu tập thể còn mới mẻ đối với người dân cũng như chính quyền địa phương. Bộ máy quản lý nhãn hiệu tập thể còn kiêm nhiệm, nhân lực còn thiếu về chuyên môn.
Nhãn hiệu không được thực sự chú trọng trong quá trình kinh doanh của các hộ sản xuất mà chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp có quy mô lớn. Hiệp hội Đá mỹ nghệ Ninh Vân chưa có những hoạt động cụ thể để cải thiện các mối quan hệ của các thành viên Hiệp hội và nâng cao vai trò quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể.
Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, để phát huy vai trò và hiệu quả của nhãn hiệu tập thể "Đá mỹ nghệ Ninh Vân", trong thời gian tới chính quyền địa phương, Hiệp hội Đá mỹ nghệ Ninh Vân cần phối hợp với ngành chức năng tập trung tuyên truyền về vai trò của nhãn hiệu đối với cộng đồng người sản xuất, kinh doanh đá trên địa bàn xã để họ chủ động tham gia mô hình khai thác cũng như quản lý nhãn hiệu được tiếp tục theo dõi hệ thống quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, phát hiện các bất cập nảy sinh trong quá trình sử dụng và thương mại hóa sản phẩm gắn nhãn và điều chỉnh cho phù hợp. Tập trung hướng dẫn và hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ tham gia vào mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể.
Tiếp tục triển khai các hoạt động cần thiết để tăng cường năng lực cho người sản xuất và các nhà quản lý có liên quan về quản lý và khai thác nhãn hiệu. Đặc biệt, hỗ trợ người sản xuất học hỏi các kinh nghiệm quản lý và phát triển nhãn hiệu thành công trong nước, từ đó áp dụng cho mô hình sản xuất của chính mình.
Giáng Hương