Từ trụ sở UBND xã vào nhà Phạm Xuân Cường quanh co, khó tìm. Phải nhờ có những người dẫn lối nhiệt tình, chúng tôi mới tìm được đến nhà anh. Vừa tranh thủ giúp gia đình phơi thóc ngày mùa, chàng trai 24 tuổi- tác giả của chiếc máy cấy không động cơ khiến nhiều người nể phục ấy vừa say sưa kể cho chúng tôi nghe về sản phẩm của mình. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ngay từ nhỏ, Cường đã tham gia công việc nhà nông với bố mẹ. Mỗi khi vào vụ cấy, vì đồng xa nên bố Cường phải làm qua trưa. Mỗi lần đưa cơm cho bố, tranh thủ lúc bố ăn trưa, Cường tự mình điều khiển máy thay. "ít tuổi nhưng nó nhanh trí lắm, chỉ thoáng nhìn là đã có thể học theo được. Tôi phát hiện con có niềm đam mê đặc biệt với cơ khí, tuy nhiên không thể nghĩ rằng con trai tôi có thể sáng tạo ra chiếc máy cấy"- ông Phạm Văn Lưu, bố của Cường cho biết.
Là anh cả trong nhà nên khi mới học cấp hai, ngoài buổi lên lớp, vào vụ cấy, Cường đi cấy cùng mẹ. Làm những công việc ấy, Cường càng hiểu hơn những vất vả của mẹ và những người nông dân phải trải qua. Từ đó, Cường ước có thể sáng tạo ra một chiếc máy cấy để giảm bớt sức lao động cho nông dân. Học hết cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Cường không thi Đại học mà ở lại quê nhà tìm cách lập nghiệp. Trong lúc đợi học tiếng để đi xuất khẩu lao động, Cường xin vào học việc trong một xưởng cơ khí gần nhà để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của mình. Vừa làm, Cường vừa nghiên cứu, vẽ mô hình và bắt tay vào thực hiện ý tưởng tạo ra chiếc máy cấy. "Công việc không đơn giản,vì nó liên quan đến kiến thức trong nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, lại không có người tư vấn, tôi phải tự mày mò tài liệu, tham khảo mô hình nhiều máy cấy hiện đại.
Tôi từng thấy những chiếc máy cấy hiện đại được đưa vào sử dụng, song những chiếc máy ấy sử dụng phức tạp, máy to cồng kềnh, giá thành cao và khó sử dụng trên đồng đất địa phương. Vì vậy, tôi lại càng nỗ lực hơn với mong muốn sáng tạo ra chiếc máy cấy không động cơ"- Cường chia sẻ. Vậy là, những đồng lương đầu tiên Cường dành để mua nguyên liệu. Có những đêm, Cường thức trắng để cải tạo những chi tiết chưa hợp lý. Những khó khăn, thách thức đó lại càng cuốn hút Cường vào công việc. Được gia đình ủng hộ, nhưng ý tưởng của Cường thì bà con xóm giềng ai cũng cho là viển vông, là "hão". Bởi với những người nông dân, sản xuất ra chiếc máy cấy thường phải nhờ đến các nhà khoa học, trong khi Cường chỉ là một chàng trai mới học hết cấp ba, lại chưa từng được đi đây, đi đó. Sau nhiều lần mày mò, làm đi làm lại đến cả chục lần, cuối cùng chiếc máy cấy do Cường sản xuất đã ra đời vào năm 2013. Những ngày đầu, Cường chạy thử nghiệm ngay trên ruộng lúa nhà mình. Chiếc máy cấy của Cường đơn giản tới mức không ai có thể nghĩ tới. Máy chỉ bao gồm: tay kéo, tay quay, xích tải, trục truyền nối với tay gắp mạ, khay chứa mạ... Đặc biệt, chiếc máy cấy có chiều dài 120cm, rộng 52cm, lại nặng chỉ có 20kg, gọn nhẹ hơn những chiếc máy cấy hiện đại rất nhiều lần. Vì nhỏ gọn nên máy rất cơ động, dễ dàng để sử dụng trên đồng đất cao, trũng không đồng đều. Máy cấy 2 hàng lúa rất đều, với khoảng cách phù hợp. Mỗi giờ, máy có thể cấy được cả sào ruộng. Sản phẩm của Cường đã đạt giải ba trong hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ 6. Không dừng lại ở thành quả ấy, điều Cường hướng tới là sáng tạo ra chiếc máy cấy không chỉ dùng được cho mạ khay mà còn sử dụng mạ dược. Khi ấy, Cường sẽ đăng ký bản quyền, liên kết với các doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bài, ảnh: Đào Thu