Tìm hiểu thực trạng dạy trước chương trình cho trẻ vào lớp 1 trên địa bàn thành phố Ninh Bình nhận thấy, nhiều trẻ em chuẩn bị vào lớp 1 đang được bố mẹ, người thân gửi gắm cho các cô giáo dạy luyện chữ, làm toán.
Chị Thủy, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết, con chị đã đăng ký học thêm từ đầu tháng 5-2013 ở nhà cô giáo dạy tại một trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Chị Thủy lý giải: "Bản thân tôi nghĩ, nếu không dạy trước cho các cháu, đến khi vào học cả cô và cháu đều rất vất vả. Học hè, các cô chủ yếu rèn cho các cháu cầm bút và tập viết đúng dòng kẻ. Lớp con tôi học có 20 cháu, cô giáo có thời gian rèn luyện chữ, làm toán được chứ vào năm học, mỗi lớp gần 40 cháu thì cô giáo không thể có thời gian chỉ bảo tận tình được"…
Khác với chị Thủy, chị Hồng ở phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Chị gái tôi có con trai năm ngoái vào lớp 1. Nghe đài, báo nói nhiều về việc không nên cho con đi học trước, anh chị quyết định không cho cháu đi học trước chương trình lớp 1 mà cho con vào chơi với bác trong thành phố Hồ Chí Minh gần 2 tháng hè. Ngờ đâu khi đi học chính thức, cháu không theo kịp các bạn cùng lớp, vì hầu hết các em khi vào lớp 1 đều đã đọc thạo, viết tốt và biết làm toán trong phạm vi 10. Thời gian đầu đi học, không những cháu rất mệt mỏi để học cho theo kịp các bạn, mà chính chị gái tôi cũng phải "bỏ công, bỏ của", dành thời gian rất vất vả để kèm cặp, bảo ban cháu học. Thậm chí cô giáo còn yêu cầu gia đình phải kèm cặp cấp tốc để cháu theo kịp các bạn trong lớp. Để tránh tình trạng này, tôi đăng ký cho con học trước chương trình lớp 1 từ tháng 2-2013. Mỗi tuần cháu học 5 buổi, mức học phí 20.000 đồng/buổi, mỗi tháng đầu tư khoảng 500 nghìn đồng cho con được học tốt không có gì phải tính…
Theo tìm hiểu, nguyên nhân đầu tiên để trẻ phải học sớm, học thêm trước khi vào lớp 1 là từ phía các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh lo lắng chương trình lớp 1 quá nặng so với đa số trẻ em còn non nớt, số khác kỳ vọng nhiều vào con, muốn con ngay từ bé phải học giỏi hơn con người khác, do đó ngay từ khi con đang học lớp mẫu giáo lớn đã cho đi học chữ trong các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật...
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hòa, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai (thành phố Ninh Bình): "Thực tế, trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các trường mầm non đã được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng bước vào lớp 1, nhất là khi thành phố Ninh Bình đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tại các lớp mầm non, các em đã được học các chuyên đề về "Làm quen với toán'', "Làm quen với văn học và chữ viết'', "Làm quen với môi trường xung quanh''... Theo đó, yêu cầu của chương trình đối với các cháu lớp 5 tuổi chỉ là "làm quen'', tiếp cận và nhận dạng được 29 chữ cái và chữ số từ 1 đến 10; một số hình đơn giản như hình tròn, hình vuông, hình tam giác, chữ nhật…
Ngoài ra, các em biết hướng đọc và viết theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải; được trang bị một số kiến thức thiết yếu về môi trường xã hội, tự nhiên, giao tiếp với thầy cô, bạn bè, rèn nền nếp, ý thức cá nhân… Vì vậy, cho trẻ học trước chương trình là không cần thiết và quá sức đối với các em".
Nhận định về vấn đề dạy học trước cho trẻ em chuẩn bị vào lớp 1, nhiều nhà quản lý và cán bộ làm công tác giáo dục cho rằng, việc dạy trước chương trình cho trẻ là không cần thiết, thậm chí còn phản khoa học, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Thực tế cho thấy, những học sinh được học trước chương trình khi vào học chính thức thường ít bỡ ngỡ, mạnh dạn, có vẻ tiếp thu nhanh hơn các em chưa được học trước và bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn trong việc kèm cặp cho con học.
Tuy nhiên, điều này không kéo dài lâu, bởi đa số học sinh chưa được học thường tập trung và hào hứng với bài giảng hơn, trong khi những trẻ đã biết trước thường không chú ý, không hứng thú và hăng hái học vì đã biết trước, đã học rồi. Thậm chí, nhiều trẻ thấy mọi thứ đối với mình đều đơn giản nên không nỗ lực, cố gắng, chủ quan ngay từ khi ở lớp học đầu đời. Ngoài ra, trẻ đi học trước chương trình nếu không được dạy một cách bài bản, rất dễ mắc những lỗi về tư thế ngồi, cầm bút sai, viết không đúng kích cỡ... từ đó khiến không ít cô giáo tiểu học rất vất vả khi phải rèn lại cho các em, từ tư thế ngồi đến cách cầm bút, điểm đặt bút… khiến cô và trò thêm vất vả, mệt mỏi.
Đồng chí Trần Quang Ánh, Phó Giám đốc Thường trực Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngày 28-6-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị 2325 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1. Theo đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục, các trường tiểu học, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quantruyền thông đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1, không cho trẻ học trước chương trình lớp 1; nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1.
Ngoài ra, các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc quy định của chương trình lớp 1, nhất là về nội dung dạy học và chuẩn kiến thức, kỹ năng; bảo đảm dạy cho tất cả học sinh từ những bài học đầu tiên, không bỏ qua bất kỳ bài học nào. Bên cạnh đó, các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc việc tuyển sinh đầu cấp theo quy định; tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1.
Các phòng Giáo dục tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học và các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, tuyệt đối không dạy học trước chương trình lớp 1. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc kỷ cương nền nếp dạy học, nội dung chương trình giáo dục mầm non, tiểu học; các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục…
Thực hiện Chỉ thị số 2325 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Công văn khẩn số 664, ngày 1-7-2013 yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay một số công việc, như: Trong tuần 1 hoặc đầu tuần 2 tháng 7-2013, hoàn thành tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học nhằm quán triệt, học tập, triển khai Chỉ thị số 2325 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ đạo các trường Mầm non, Tiểu học thực hiện đúng, có chất lượng nội dung của Chỉ thị số 2325; Quyết định số 341/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2013 của UBND tỉnh về việc Ban hành kế hoạch thời gian năm học 2013-2014 của giáo dục Mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình.
Phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hình thức tuyên tuyền để cha mẹ học sinh và cộng đồng nhận thức đúng về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1 nói riêng và chương trình các lớp khác nói chung..., thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo cho trẻ vào lớp 1 được dạy và học phù hợp với trình độ, phát triển đúng lứa tuổi của các em.
Hạnh Chi