Hiện nay, dân số toàn tỉnh là trên 950 nghìn người, trong đó số vị thành niên-thanh niên chiếm trên 22% dân số. Thực tiễn những năm qua cho thấy, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên-thanh niên trên địa bàn tỉnh chưa được thống kê chính xác do hiện nay xu hướng vị thành niên-thanh niên "lén lút" thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Bên cạnh đó, xã hội hiện đại cũng dẫn đến những bệnh tật mới xuất hiện liên quan đến đường sinh sản hoặc những bệnh tật bẩm sinh ảnh hưởng đến sự sinh sản, thai nghén… Sự thiếu hiểu biết của vị thành niên-thanh niên về độ tuổi sinh con còn hạn chế như sinh con ở độ tuổi 15-19 có thể có những rủi ro như: sinh non, sinh nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao hơn. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này cũng có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ trên 20 tuổi. Ngoài ra, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm này cũng cao. Một số bệnh tật ở người cha, người mẹ tương lai còn gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi sau này nếu không được phát hiện và điều trị sớm; không kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và không biết rõ về thể trạng sức khỏe của bạn đời. Do đó, thai nhi không được điều trị dự phòng dẫn đến nhiễm HIV từ mẹ truyền sang. Sự thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản, không kiểm tra sức khỏe trước và trong khi mang thai dẫn đến việc không dự phòng cũng như không phát hiện sớm những dị tật bẩm sinh của trẻ... Thực tế, giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay chưa thật sự phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý sớm của học sinh, nội dung vẫn còn chung chung, không thiết thực. Điều này gây nên những hạn chế nhất định trong việc tiếp thu kiến thức giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản mới chỉ dừng ở mức lồng ghép vào một số môn học thông tin về dân số, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn để tránh lây nhiễm HIV... Đồng chí Lý Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh cho biết: Thuận lợi của tỉnh trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên- thanh niên đó là được thực hiện Dự án GTZ từ năm 1994-2004, trong đó có triển khai hoạt động cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS/SKTD cho vị thành niên- thanh niên tại các huyện thực hiện dự án. Từ năm 2004 đến năm 2010, triển khai mô hình "Cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên- thanh niên" tại 12 xã, thị trấn. Năm 2010 đến nay, ngành Dân số tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai hoạt động ngoại khóa cung cấp kiến thức sức khỏe sinh sản cho học sinh trong các trường THCS, THPT; tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản cho tuổi vị thành niên- thanh niên qua hình thức cuộc thi "Rung chuông vàng" tại Trường THPT. Năm 2009 -2015 triển khai mô hình "Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân" tại 73 xã, phường, thị trấn và 27 xã thuộc Đề án kiểm soát dân số vùng biển, ven biển huyện Kim Sơn.
Năm 2015, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai hiệu quả mô hình "Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái", xây dựng 5 CLB các bạn gái tiêu biểu ở 5 xã chọn thí điểm triển khai mô hình tại huyện Yên Mô. Đây là một trong những giải pháp tích cực của ngành Dân số nhằm góp phần thực hiện bình đẳng giới; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái cũng như hiểu biết của vị thành niên-thanh niên; tạo mối quan hệ nhà trường - gia đình - cộng đồng trong giáo dục giới tính học sinh các trường THCS… Các hoạt động của mô hình cũng tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác dân số - KHHGĐ. Ngoài ra, Trung tâm chăm sóc SKSS/KHHGĐ tỉnh đã chủ trì, hướng dẫn cơ sở thành lập 4 Câu lạc bộ "Chăm sóc SKSS/SKTD vị thành niên và thanh niên", các câu lạc bộ này hoạt động đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh việc cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS/SKTD, Chi cục Dân số-KHHGĐ phối hợp với Trung tâm Chăm sóc SKSS/KHHGĐ tỉnh tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD cho vị thành niên- thanh niên. Cung ứng các biện pháp tránh thai phù hợp khi vị thành niên- thanh niên có nhu cầu, giúp giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Hoạt động khám sức khỏe cho thanh, thiếu niên trong và ngoài nhà trường được thực hiện hàng năm tại trạm y tế xã, nhằm phát hiện những bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường sinh sản để tư vấn cho phụ huynh có biện pháp chăm sóc, điều trị kịp thời cho con em mình. Bên cạnh đó, các em còn được tư vấn để tự bảo vệ sức khỏe của mình. Thêm vào đó, cần trang bị kỹ năng sống cũng như cách bảo vệ sức khỏe sinh sản; người lớn cũng nên gần gũi và trở thành người bạn lớn tuổi tôn trọng, tạo niềm tin để các em có thể cởi mở giãi bày tâm sự; tạo cơ hội để các em có thể tìm hiểu những kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như tiếp cận đến những dịch vụ tin cậy, an toàn, vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Đặc biệt, năm 2016, Quỹ Dân số Liên hợp quốc lấy chủ đề ngày Dân số thế giới (11-7) là "Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên" nhằm kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và tài chính đầu tư cho việc phát huy tiềm năng cho trẻ em gái vị thành niên, cho phép đảm bảo quyền của các em hiện nay và bảo đảm một tương lai công bằng và thịnh vượng hơn. Với các khẩu hiệu tuyên truyền "Đầu tư cho trẻ em vì sự phát triển bền vững", "Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì sức khỏe, hạnh phúc, tương lai của bạn", "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân để xây dựng gia đình hạnh phúc"…, ngành Dân số -KHHGĐ tỉnh cùng các địa phương đang đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng, vì sự an toàn và phát triển toàn diện của trẻ em gái cũng như vị thành niên- thanh niên nhằm nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh và đất nước.
Hồng Vân