Những năm gần đây, đào phai Đông Sơn đã trở thành một trong những loài hoa không thể thiếu của nhiều gia đình trong mỗi độ Tết đến, xuân về. Vì vậy, việc trồng đào đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân trong xã. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay xã Đông Sơn có tổng diện tích trồng đào gần 110 ha, trong đó 73 ha được trồng tập trung trên đất đồi, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, từ năm 2012-2013, toàn xã có 7 thôn trồng cây đào phai được UBND tỉnh công nhận làng nghề cấp tỉnh. Việc được công nhận là làng nghề truyền thống đã tạo điều kiện cho các hộ trồng đào có cơ hội được trao đổi kinh nghiệm trong trồng trọt cũng như được chuyển giao tiến bộ KHKT. Tuy nhiên, bước vào mùa hè năm nay, đặc biệt là đợt nắng nóng gay gắt cuối tháng 6 vừa qua đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của cây đào, nếu không được chăm sóc đúng kỹ thuật, đảm bảo nguồn nước tưới bổ sung kịp thời thì đào khó có thể ra hoa vào đúng dịp Tết, thậm chí chất lượng hoa cũng bị giảm. Gia đình ông Phạm Vũ Hoàng, thôn 8, xã Đông Sơn trồng hơn 1 mẫu đào phai, vừa trồng ở vườn nhà, vừa trồng trên đất đồi. Vườn đào đã đem về thu nhập cho gia đình ông bình quân mỗi năm trên 50 triệu đồng. Ông Hoàng cũng là người có thâm niên trong nghề trồng đào phai (25 năm). Ông cho biết: Đào phai là loại cây dễ trồng, chịu hạn, phù hợp với các chân đất nghèo dinh dưỡng, thế nhưng, những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài vừa qua cũng đã hạn chế rất nhiều sự phát triển của loại cây này, thậm chí có những cây đào mới trồng đã bị chết. Với những nhà trồng đào ở trong vườn thì dễ chăm sóc hơn vì có thể thường xuyên tận dụng nguồn nước sinh hoạt để tưới cho cây. Nhưng đối với những gia đình trồng đào ở khu vườn đồi thì việc tìm nguồn nước tưới gặp nhiều khó khăn. Để bảo vệ cây đào, nhiều ngày qua gia đình ông và một số hộ đã chủ động dùng bơm dẫn nước tưới cho cây đào trồng ở những vùng đồi, bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: Để chủ động bảo vệ diện tích cây đào trong mùa nắng nóng, xã Đông Sơn đã phối hợp với ngành chức năng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tiết kiệm trong việc sử dụng nguồn nước giếng khoan, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng, xã đã tuyên truyền nhân dân tận dụng các loại vật liệu, như: rơm rạ, cỏ... để che gốc cây, xới xáo đất để tránh thoát hơi nước, giữ độ ẩm cho cây, đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật chăm sóc, tưới nước phù hợp theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Nhiều nông dân trong xã cũng đã chủ động cung cấp dinh dưỡng, nước tưới cho vườn đào. Nhờ vậy đã hạn chế tối đa tình trạng cây đào bị khô chết, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Nhằm cung cấp cho thị trường những cành đào đẹp, người trồng đào Đông Sơn đã và đang đầu tư nhiều hơn, tích cực ứng dụng KHKT trong các khâu chọn giống, chăm sóc…, vì vậy chất lượng hoa ngày một đẹp hơn. Với sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với sự cần cù, chịu khó của nông dân, tin rằng những vườn đào ở Đông Sơn sẽ vượt qua được khắc nghiệt của thời tiết, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường vào mỗi dịp Tết đến, xuân về và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Mai Lan