Chúng tôi đến thăm các thương, bệnh binh đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan vào một ngày tháng 3. Bác sĩ chuyên khoa I Lâm Quang Đạo, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Được thành lập từ năm 1965, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan là đơn vị đầu tiên của cả nước được giao tiếp nhận toàn bộ thương, bệnh binh bị mắc bệnh tâm thần sau khi đã được điều trị và xác định bệnh từ các tuyến quân y viện của quân đội. Thời kỳ tỉnh mới tái lập, cơ sở vật chất chăm sóc, điều trị thương binh nặng của Trung tâm thiếu thốn rất nhiều. Mặc dù khó khăn, vất vả bộn bề, nhưng với chức năng là chăm sóc đối tượng người có công bị tâm thần nặng, các y, bác sĩ, nhân viên Trung tâm luôn phải gồng mình trong công việc, chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt của mình bằng cả tình cảm và trách nhiệm. Cùng với sự phát triển của tỉnh, Trung tâm được đầu tư sửa chữa, nâng cấp khu điều trị và xây mới thêm khu B, với quy mô hoạt động trên 100 buồng bệnh; khuôn viên được chỉnh trang sáng, xanh, sạch, đẹp. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận trên 2.000 thương, bệnh binh. Động lực lớn nhất đối với những cán bộ Trung tâm khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người có công đó là có nhiều thương binh đã điều trị ổn định bệnh, có thể lập gia đình, trở về với gia đình riêng. Để đáp ứng lòng mong mỏi của thương, bệnh binh, hàng năm, Trung tâm tổ chức các chuyến đi để các bác về với quê hương, liên hệ tìm thân nhân; xây 16 nhà tình nghĩa cho thương, bệnh binh; cấp đất xây nhà cho vợ chồng thương, bệnh binh nặng quê ở xa; tiếp nhận nhiều con thương, bệnh binh vào làm việc tại Trung tâm, chăm sóc chu đáo gần 100 phần mộ thương, bệnh binh đã mất tại Nghĩa trang Trung tâm… Đó là một trong rất nhiều những đơn vị trong tỉnh có hoạt động nhằm tri ân những thế hệ đi trước với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" tạo niềm tin vững chắc đối với thương, bệnh binh yên tâm điều trị bệnh tại Trung tâm. Hiện Trung tâm đang chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng 155 thương, bệnh binh và đối tượng xã hội (trong đó có 84 thương, bệnh binh của 23 tỉnh, thành phía Bắc và 17 bệnh nhân chất độc hóa học, 54 đối tượng xã hội). Năm 2010, Trung tâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động". Nhiều năm liền Trung tâm là địa chỉ đỏ cho những chuyến về nguồn của các bộ, ngành Trung ương, các cấp trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Phạm Quốc Doanh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Công tác người có công 25 năm sau tái lập tỉnh (1992 -2017), đặc biệt là những năm gần đây được Đảng và Nhà nước; Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, có sự vào cuộc nhiệt tình trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Điểm nổi bật là tỉnh Ninh Bình đã tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng từ nhiều năm trước về giải quyết chính sách người có công. Ngành đã tập trung cao độ để giải quyết chính sách cho hàng trăm nghìn lượt đối tượng mới được bổ sung... Chỉ tính riêng từ năm 2011-2016, đã giải quyết cho trên 57.650 lượt đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi; tổ chức lập và thẩm định hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng 2.208 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; lập và thẩm định hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập cho 197 gia đình có nhiều con là liệt sỹ và có một con duy nhất là liệt sỹ; thẩm định hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách cho trên 18.000 người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trên 15.000 người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc...
Cùng với việc giải quyết chính sách cho các đối tượng mới phát sinh, ngành đã duy trì thực hiện tốt chính sách và lo đủ nguồn kinh phí, tổ chức chi trả đúng, đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp cho trên 25.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng; trên 35.000 người hưởng chế độ ưu đãi BHYT do ngân sách Trung ương đài thọ và trên 50.000 người do ngân sách địa phương đài thọ; trên 52.500 lượt đối tượng hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo... với tổng kinh phí chi trả hàng năm từ 550 tỷ đồng trở lên, đảm bảo an toàn, không để xảy ra thất thoát, mất cắp, mất trộm. Đồng thời chủ động tham mưu thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công. Hàng năm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách trong các dịp lễ, Tết. Từ năm 2011 - 2016, đã tặng trên 487.000 suất quà, trị giá gần 102 tỷ đồng; vận động đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đạt trên 10 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa 494 nhà tình nghĩa, trị giá 10.696 triệu đồng.
Đặc biệt, thực hiện Đề án số 02, 06 của Thường trực HĐND tỉnh về hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ chính sách có khó khăn về nhà ở, toàn tỉnh đã xây mới 5.007 ngôi nhà. Thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, đã có 2.247 hộ gia đình người có công được hỗ trợ về nhà ở, kinh phí hỗ trợ là 68,4 tỷ đồng; vận động tặng 287 sổ "Tiết kiệm tình nghĩa", trị giá 168 triệu đồng; tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có công, trị giá hàng tỷ đồng; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh phân công các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến hết đời các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được phong tặng qua các đợt. Đến năm 2013, có 145/145 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận là xã, phường thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công (chỉ tiêu của toàn quốc giai đoạn 2016 - 2020 là 96%). Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 99% hộ gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, đạt chỉ tiêu của toàn quốc giai đoan 2016 - 2020. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý mộ, nghĩa trang liệt sỹ, các công trình tưởng niệm liệt sỹ, đáp ứng yêu cầu tâm linh thành kính nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ, mang tính giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc.
Hồng Vân