Ngày 26/5 vừa qua, hai cháu bé là Đặng Bảo N. và Trần Nhã U. (cùng sinh năm 2018), trú tại xóm 5 và xóm 7B, xã Cồn Thoi (huyện Kim Sơn) ra bờ sông Tàu hút (xã Cồn Thoi) chơi, không may bị ngã xuống sông đuối nước. Hoàn cảnh gia đình của cả hai cháu bé khá khó khăn, một cháu bố mẹ đi làm ăn xa bên Lào, ở với bà ngoại; cháu còn lại bố mẹ đi làm bãi ngao xa nhà... Đây là khúc sông cạnh nhà hai cháu, do không ai phát hiện kịp thời nên các cháu khi ngã xuống đã tử vong do đuối nước. Được biết, hai cháu bé là họ hàng với nhau.
Trước đó, ngày 8/5, một học sinh lớp 12, trường THPT Nho Quan C, thường trú tại thôn Minh Hồng, xã Xích Thổ (huyện Nho Quan) đã bị đuối nước do đi tắm bị chuột rút mà không được phát hiện. Điều đáng buồn là em mất đi khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tốt nghiệp THPT, để lại nỗi đau lớn, niềm tiếc thương cho gia đình và thầy cô, bạn bè...
Những sự việc đáng tiếc như trên năm nào cũng xảy ra, ở khắp các địa phương trong tỉnh. Mùa hè năm 2019, khi học sinh nghỉ hè được hơn 1 tháng, nhưng trên địa bàn tỉnh đã có gần chục vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra ở đủ mọi lứa tuổi. Như trường hợp cháu bé 10 tuổi, ở xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình). Chị Điền Thị Lành, công chức Văn hóa-Thương binh xã hội xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) cho biết, hoàn cảnh của cháu bé rất đáng thương, bố mẹ đi làm ăn xa, gửi con ở với ông bà. Cháu được người bác ruột cho đi chơi, câu cùng tại xã Khánh Hồng (Yên Khánh), sau đó cháu xuống tắm rồi không may đuối nước, khi phát hiện ra thì đã muộn. Tại xã Ninh Phúc, năm 2018, cũng có 1 trường hợp học sinh lớp 9 cùng bạn đi tắm tại một trạm bơm trên địa bàn xã và gặp tai nạn đuối nước.
Theo chị Điền Thị Lành, việc quản lý, trông coi và hướng dẫn trẻ học tập, vui chơi trong dịp hè phần lớn do gia đình, người thân các em chịu trách nhiệm. Các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể... của xã có vai trò phối hợp trong việc tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn các hoạt động vui chơi cho các em. Xã Ninh Phúc có gần 1.700 trẻ em ở độ tuổi dưới 16, hàng năm, vào Tháng hành động vì trẻ em, xã đều tổ chức tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích, yêu cầu các thôn, xóm trên địa bàn có nguy cơ xảy ra đuối nước, phải đặt biển cảnh báo, tuyên truyền người dân quan tâm, chăm lo cho con em, tránh để xảy ra các tai nạn đáng tiếc... Tuy nhiên, điều đáng buồn là số vụ tai nạn đuối nước vẫn còn xảy ra, gây nên nỗi đau lớn cho gia đình và xã hội.
Trường Tiểu học Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) nằm tại khu đất rộng với xung quanh là ruộng sâu, kênh nước. Đặc biệt là ngay cổng vào có một ao nước tạo cảnh quan rộng gần nghìn m2. Trước đây, khi xây dựng, để tạo cảnh quan cho ngôi trường, bờ bao xung quanh ao chỉ xây thấp và để các ô thoáng khá to. Do vậy nhiều học sinh hiếu động thường leo lên hoặc chui người nghịch ngợm, rất có thể xảy ra tai nạn thương tích hoặc ngã xuống ao đuối nước nếu không được phát hiện kịp thời.
Cô giáo Trần Thị Vân Giang, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) cho biết: Trước nguy cơ mất an toàn, nhà trường đã tìm các biện pháp để bảo vệ học sinh. Theo đó, cùng với tuyên truyền, nhắc nhở các em không vui chơi, đùa nghịch chỗ gần ao nước, nhà trường lắp cổng và khóa chặt lối xuống ao, đồng thời lắp cao thêm lan can cho tường bao xung quanh, vừa đảm bảo mỹ quan nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho học sinh. Cùng với đó, nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên tăng cường giáo dục kỹ năng sống, hướng dẫn các em không chơi, tắm tại những nơi cấm bơi, lội, nơi có biển cảnh báo nguy hiểm; các biện pháp cần thiết khi bị đuối nước...
Đặc biệt, trước nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, từ năm học 2018-2019, trường Tiểu học Ninh Phong đã tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh trong trường có nhu cầu. Nhà trường đã thuê phương tiện, cử giáo viên dạy bơi miễn phí cho học sinh, học sinh chỉ phải mua vé vào bể bơi. Trong dịp hè năm 2019, nhà trường đã dạy miễn phí cho 60 học sinh biết bơi. Tiếp tục hè năm 2020 tới đây, nhà trường lắp đặt bể bơi lưu động tại trường để có thể dạy bơi được nhiều hơn cho các em học sinh, góp phần thực hiện chương trình phòng, chống đuối nước trong học đường...
Theo số liệu của Sở LĐ, TB&XH tỉnh, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng chục trẻ em tử vong do đuối nước, đặc biệt vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, nhu cầu bơi lội, tắm mát của trẻ em tăng cao. Nạn nhân hầu hết là các em trai, trong độ tuổi dưới 15 tuổi. Các em thường rủ nhau ra sông, hồ, ao, đập tắm, nô đùa hoặc kéo nhau cùng nhảy, nghịch dại, rất dễ xảy ra những vụ đuối nước đau lòng. Hàng năm, để giảm thiểu các vụ đuối nước vào mùa hè, các cơ quan, đơn vị như Sở LĐTBXH, ngành Giáo dục, Tỉnh đoàn....đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước; tích cực phối hợp với gia đình, nhà trường để quản lý các em; khảo sát các địa điểm có nguy cơ mất an toàn và thực hiện cắm biển cảnh báo; khuyến khích, tạo điều kiện để các em học bơi, rèn luyện kỹ năng cấp cứu khi bị đuối nước... Nhưng, thực tế cho thấy, các hoạt động và những cách làm này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, số vụ tai nạn đuối nước vẫn diễn ra.
Theo bác sĩ Đinh Văn Duy, Phó Trưởng khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh; điều quan trọng nhất trong thực hiện phòng, chống đuối nước cho trẻ em chính là ý thức của phụ huynh trong việc quan tâm chăm sóc, bảo vệ con, em mình. Cần hiểu rõ, đối với trẻ nhỏ, việc quan tâm, theo sát các em là việc thường xuyên, liên tục, không thể lơ là, coi nhẹ, vì đôi khi sẽ phải trả giá rất đắt. "Một phút sơ sẩy có thể trả giá bằng cả mạng sống của các em, hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề, ảnh hưởng lâu dài đến tương lai. Do đó cần trang bị đầy đủ cho học sinh các kỹ năng bơi lội, sơ cấp cứu đuối nước và phải được phổ cập, trở thành môn học bắt buộc cũng như các chương trình ngoại khóa trong nhà trường. Có như vậy mới hạn chế và không xảy ra những vụ việc đau lòng, đáng tiếc như vừa qua..."- bác sĩ Duy khuyến cáo.
Bài, ảnh: Hạnh Chi