Khó khăn điển hình được các ngành chuyên môn đánh giá đó là lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Ngay từ cuối quý I, ngành sản xuất này đã bắt đầu chịu sự tác động bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung linh kiện phụ kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất.
Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử như Công ty TNHH Sanico Việt Nam và Công ty TNHH Goryo Việt Nam (Cụm công nghiệp Gia Vân) đã bị ảnh hưởng bởi lô hàng linh phụ kiện nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc gặp khó khăn và hàng xuất đi chậm do phía đối tác nước ngoài cũng đang gặp khó trong tình hình dịch COVID-19.
Lĩnh vực sản xuất da giày cũng đang thiếu nguyên liệu sản xuất vì hầu hết các doanh nghiệp này đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong trường hợp các nhà máy tại Trung Quốc chậm cung cấp nguyên, phụ liệu sẽ khiến các công ty da giày vỡ kế hoạch sản xuất, không đáp ứng được tiến độ giao hàng, công nhân sẽ phải nghỉ việc vì nguyên liệu chưa về kịp.
Điển hình như Công ty TNHH Vienergy (Khu công nghiệp Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình) hiện đang hoạt động cầm chừng. Nếu tiếp tục thiếu hụt nguồn nguyên liệu để sản xuất, Công ty dự kiến sẽ phải cho gần 4.000 công nhân nghỉ trong tháng 5 và tháng 6. Công ty chỉ có thể hỗ trợ mức lương tối thiểu vùng để giữ chân người lao động.
Có thể thấy, ngành sản xuất công nghiệp trong tỉnh cũng như cả nước phụ thuộc chủ yếu vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; không tự chủ được yếu tố đầu vào, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phần lớn phải nhập khẩu từ một số quốc gia. Các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh chủ yếu là gia công khâu cuối cùng nên khi nguồn cung nhập khẩu có biến động thì dễ dẫn đến rủi ro "đứt gãy" chuỗi sản xuất.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Mặc dù hiện nay một số nước cung cấp nguyên, vật liệu cho sản xuất các lĩnh vực như điện tử, may mặc... đã quay trở lại hoạt động sau đỉnh dịch. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên, vật liệu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Một số doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, song đối với việc phân công sản xuất theo chuỗi toàn cầu hiện nay và tính chất đặc thù của các ngành thì việc tìm nguồn cung dự phòng ngay trong thời điểm này không phải dễ và chi phí cũng tăng cao, số lượng và chất lượng chưa chắc phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo thông tin từ phía Sở Công thương: Để tăng tính độc lập, tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ xem xét, tiến hành các giải pháp dài hạn bằng việc sớm thông qua Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Từ đó có căn cứ xây dựng các chính sách lớn và tổ chức triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trước mắt, ngành Công thương cho rằng, quan trọng nhất là thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm ưu tiên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vì thế, ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết trong nước để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử… theo hướng bền vững, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác như hiện nay.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đang tiếp tục rà soát, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công thương về thực trạng, nhu cầu nguyên, vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên, vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tìm nguồn nguyên liệu giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất.
Đồng thời, các ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2020. Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh cũng mong muốn có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Nguyễn Thơm