Mục tiêu của chương trình là đến năm 2020, 100% dân cư ở các đô thị được sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; toàn bộ rác và nước thải được thu gom và xử lý; 100% nhà xây tại các khu vực không đảm bảo an toàn và sinh hoạt cho người dân được di dời hoặc cải tạo, nâng cấp. Hướng tới đối tượng chính là các khu vực có thu nhập thấp, hạ tầng kém phát triển và mức độ tiếp cận dịch vụ đô thị còn hạn chế, Bộ Xây dựng đề nghị trước mắt ưu tiên cải tạo, nâng cấp 8 đô thị gồm các thành phố Việt Trì, Điện Biên Phủ, Hải Dương, Ninh Bình, Cà Mau và các thị xã Cao Bằng, Kon Tum và Trà Vinh, với kinh phí 11.600 tỷ đồng. Theo kết quả khảo sát mới đây của Bộ Xây dựng, các đô thị đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, trước hết là tình trạng thiếu nước sinh hoạt và ô nhiễm môi trường. Thống kê cho thấy, có trên 820.000 hộ dân tại các đô thị chưa được cung cấp nước sạch, gần 2 triệu hộ dân chưa có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, do các đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải hiện đại, đồng bộ, nên mỗi ngày có trên 3 triệu m3 nước thải, bao gồm cả nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện và nước thải sinh hoạt, được trực tiếp thải ra môi trường, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân và cảnh quan đô thị. Ngoài ra, hạ tầng cơ sở kém phát triển cộng với tốc độ gia tăng dân số nhanh do lượng dân di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng đông, phần lớn thuộc diện nghèo, cũng đang là những rào cản phát triển đối với các khu đô thị. Hiện có khoảng 7.000 km đường giao thông tại các khu đô thị cần được nâng cấp. Còn về nhà ở, có tới 44.000 hộ đang phải sống ở các khu vực thiếu an toàn và 1,8 triệu hộ dân sống trong các căn nhà tạm bợ./.
Theo TTXVN