Thực tế cho thấy, việc quyết định cho các em học sinh nghỉ học khi thời tiết quá lạnh dưới 10 độ C hiện vẫn chưa có thông báo cụ thể và thống nhất. Nhiều khi trên địa bàn thành phố, cùng 1 ngày với thời tiết như nhau nhưng có trường vẫn học bình thường, có trường lại được nghỉ. Những hôm thời tiết quá lạnh, các cô giáo chủ nhiệm phải chờ ý kiến của hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường; hiệu trưởng, hiệu phó lại xin ý kiến cấp trên để cho học sinh nghỉ học… Mà nhiều khi thời tiết cũng thay đổi liên tục, đầu buổi sáng có thể quá lạnh (khoảng trên dưới 10 độ C) nhưng vài giờ sau hoặc đến trưa là trời hửng nắng, nhiệt độ tăng nhanh nên nếu chỉ căn cứ vào nhiệt độ đo lúc 6h sáng sẽ thiệt thòi cho các em học sinh và vất vả cho các thầy, cô giáo vì sau đó các em học sinh và thầy, cô giáo lại phải dạy và học dồn ép để bổ sung kiến thức cho kịp chương trình; đấy là chưa kể đến chuyện mất công, mất việc của các bậc phụ huynh…
Đồng chí Trần Quang Ánh, Phó Giám đốc Thường trực Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi thời tiết dưới 10 độ C cho phép học sinh tiểu học và mầm non được nghỉ học; lúc nhiệt độ xuống dưới 7 độ C cho phép học sinh THCS và THPT được nghỉ học. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, các bậc phụ huynh và học sinh căn cứ vào bản tin dự báo thời tiết từ buổi tối của Đài PT&TH Ninh Bình để theo dõi và thực hiện. Tuy nhiên, do chỉ là dự báo của ngày hôm trước nên chưa tạo được sự thống nhất và chính xác của thời tiết buổi sáng hôm đó, cho nên các trường học, các bậc phụ huynh và học sinh thường không chủ động theo dõi và thực hiện …
Trước thực tế trên, những người làm công tác giáo dục, các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh, học sinh rất mong có một quy định hoặc thông báo thống nhất cho học sinh nghỉ học khi thời tiết rét đậm, rét hại để đảm bảo sức khỏe cho các em. Đơn cử như việc thống nhất nghe bản tin dự báo thời tiết của Đài PT-TH nào, thời gian lúc mấy giờ hay những ngày nhiệt độ giảm mạnh nên điều chỉnh giờ vào lớp học muộn hơn 20 đến 30 phút… nhằm thuận tiện cho các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh, học sinh và đảm bảo giữ gìn sức khỏe cho các em. Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Ninh Bình, các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình thời tiết các buổi sáng, buổi chiều, trong ngày, dự báo vài ngày sắp tới trên địa bàn tỉnh, các khu vực vùng, miền… để mọi người dân có thể nắm bắt, chủ động bố trí công việc, cuộc sống cũng như giữ gìn sức khỏe trong những ngày giá rét…
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết những ngày tới đang có diễn biến bất thường, thời tiết rét đậm, rét hại có khả năng kéo dài. Để bảo vệ sức khỏe và phòng, chống rét cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình cũng đã có Công văn số 146, ngày 14-2-2014 về việc phòng, chống rét, bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Theo đó, Sở yêu cầu các đơn vị chỉ đạo, thực hiện tốt các công việc như: Nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm. Trong những ngày trời rét, không yêu cầu học sinh phải mặc quần áo đồng phục; không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời; bố trí hợp lý các giờ học môn Thể dục nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh; thường xuyên nhắc nhở phụ huynh quan tâm đến việc giữ ấm cho trẻ trên đường đưa tới trường.
Các trường học có tổ chức bán trú cần đảm bảo thức ăn, nước uống đủ nóng, hợp vệ sinh cho học sinh trong các bữa ăn; chuẩn bị đủ trang thiết bị y tế và các loại thuốc để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho học sinh khi cần thiết. Các trường mầm non cần đảm bảo có nước ấm để chăm sóc và phục vụ trẻ trong sinh hoạt. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường đảm bảo các điều kiện, cơ sở vật chất phòng, chống rét cho học sinh…
Hạnh Chi