Trước thực trạng thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc dư luận và gây hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (Hoa Lư) đã tổ chức chuyên đề ngoại khóa: "Nữ sinh với kỹ năng tự bảo vệ mình" dành cho các em học sinh nữ trong toàn trường. Chuyên đề được tập trung vào việc cho các em xem và tìm hiểu những tình huống, tiểu phẩm kịch mô phỏng một số tình huống thực tế về hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em, từ đó các em được trả lời, được bày tỏ quan điểm, thể hiện hiểu biết của mình về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Thông qua chuyên đề giúp các em có nhận thức về việc tự bảo vệ mình, nhận biết được những tình huống tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại tình dục, có thêm những kiến thức cơ bản về phòng, chống xâm hại tình dục, từ đó biết tự bảo vệ bản thân để sống lành mạnh, trong sáng, tích cực. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các em học sinh được bộc lộ hiểu biết, thể hiện bản thân, phát hiện khả năng cá nhân của mình, từ đó thêm mạnh dạn, tự tin trong các hoạt động tập thể. Cùng tham dự chương trình giáo dục rèn kỹ năng sống cho học sinh với chuyên đề "Sống ước mơ và khát vọng" tại Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình) chúng tôi nhận thấy, việc giáo dục kỹ năng sống cho các em có vai trò rất quan trọng trong môi trường học đường.
Em Mạch Thị Hỷ Nhi, học sinh lớp 9B, Trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ: ở mỗi buổi học ngoại khóa, với nhiều chuyên đề, chủ đề khác nhau giúp chúng em có thêm những kiến thức cơ bản và được trang bị các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Như đối với chuyên đề "Sống ước mơ và khát vọng", qua buổi ngoại khóa này, em và gần 1 nghìn bạn học sinh của trường có những suy nghĩ chín chắn, nghiêm túc hơn về những ước mơ, dự định của mình trong tương lai và phấn đấu thực hiện được ước mơ ấy dù có gặp những khó khăn nhất định.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Lý, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, việc tổ chức các chuyên đề ngoại khóa cho học sinh là vô cùng cần thiết trong hoạt động giáo dục và đào tạo hiện nay ở mỗi nhà trường. Nắm bắt được nhu cầu đó, mỗi năm, Trường tổ chức từ 2-3 buổi ngoại khóa trong phạm vi toàn trường, ngoài ra còn tổ chức cho các khối lớp có những hoạt động trải nghiệm khác nhau theo từng lứa tuổi, gắn với môn học để vừa nâng cao chất lượng giáo dục vừa hình thành cho các em các kỹ năng ứng xử trước các tình huống trong cuộc sống.
Tiêu biểu như các hoạt động tìm hiểu về ATGT, ANTT, tình bạn-tình yêu, tổ chức các buổi thuyết trình bằng tiếng Anh, kỹ năng bảo vệ bản thân… Như đối với chuyên đề "Sống ước mơ và khát vọng" giúp các em khơi dậy được tinh thần vượt khó vươn lên học tập tốt, định hướng cho các em trong việc xác định được mục tiêu, lý tưởng sống, xây dựng hoài bão, ước mơ, khát vọng; từ đó cổ vũ các em quyết tâm vươn lên trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp; đồng thời là dịp để khuyến khích, tôn vinh những ước mơ đẹp, những tấm gương giàu ước mơ, biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Diễn giả Đào Ngọc Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Đánh thức tiềm năng Việt cho biết: Kỹ năng sống không phải là những kiến thức xa vời, cứng nhắc, lạ lẫm, mà là những bài học về kỹ năng sống vẫn hiện hữu hàng ngày, hàng giờ, bao gồm nhận thức, hiểu biết, thái độ...
Giáo dục kỹ năng sống là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến học sinh nhằm giúp học sinh có những kiến thức về cuộc sống, có hành vi ứng xử đúng mực trong các mối quan hệ xã hội, giúp nhân cách mỗi học sinh được phát triển đúng đắn, từ đó thích ứng tốt nhất với môi trường sống.
Hiện nay, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại các trường học là việc làm cần thiết và cấp bách, cần coi đây là một trong những nội dung giáo dục quan trọng. Bởi có được kỹ năng sống sẽ giúp học sinh tự tin bước vào cuộc sống tương lai. Việc tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh chính là nâng chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng với gia đình, nhà trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung cơ bản của phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển hướng từ trang bị kiến thức là chủ yếu sang trang bị những năng lực cần thiết cho học sinh với quan điểm: "Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để cùng chung sống".
Thời gian qua, các trường học trong tỉnh đã quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua tích hợp trong một số môn học cơ bản và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, việc dạy kỹ năng sống cho học sinh chưa thật sự hiệu quả. ở một số trường dạy kỹ năng sống cho học sinh còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, thiếu hoạt động trải nghiệm thực tế, thiếu các hoạt động giáo dục kỹ năng sống chuyên biệt.
Từ đó vẫn còn những học sinh, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh, kỹ năng ra quyết định, xử lý tình huống… còn yếu. Vẫn còn tình trạng học sinh có thái độ vô lễ với cha mẹ, thầy cô; vẫn xảy ra tình trạng học sinh tự tử, đánh nhau, ham chơi hơn học, vi phạm pháp luật…
Trước thực tế đó, việc triển khai các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cần tùy theo hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, từng trường để triển khai thực hiện. Các nhà trường cần xây dựng được quy ước ứng xử văn hóa, rà soát lại thực trạng của trường mình để đề ra các hình thức giáo dục kỹ năng sống phù hợp.
Các thầy, cô giáo, cán bộ giáo dục, phụ huynh học sinh phải là những người gương mẫu, làm gương cho các em học tập. Bên cạnh đó, cần tạo được môi trường học đường thân thiện, gia đình thân thiện, cộng đồng thân thiện. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", góp phần trang bị thêm nhiều kiến thức kỹ năng sống cho học sinh…
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh