Chính vì vậy, trước khi học sinh nghỉ hè, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo sân chơi cho học sinh như: tổ chức dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật; sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, TDTT tại các trung tâm thanh, thiếu nhi, nhà văn hóa; tổ chức các giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng... nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho các em. Tuy nhiên, số lượng các hoạt động này còn tương đối ít và mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các em mà chủ yếu vẫn là học sinh ở thành phố, thị xã và các thị trấn trung tâm huyện.
Đối với khu vực nông thôn, sự thiếu thốn về sân chơi cho các em được bộc lộ nhiều mặt, khu vui chơi cho các em đã thiếu, phương tiện vui chơi càng thiếu hơn. Bên cạnh đó, khi bước vào kỳ nghỉ hè cũng là lúc nhiều em phải tham gia giúp gia đình làm mùa, số còn lại dường như ít được người lớn quan tâm đến việc các em sẽ chơi gì, chơi ở đâu, chơi như thế nào trong những ngày nghỉ hè. Mặc dù ở các xã đều có Trung tâm học tập cộng đồng nhưng hầu hết những nơi này chưa phát huy tác dụng để trở thành điểm đến cho các em trong dịp hè, bởi nơi đây vẫn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, nếu có thì cũng nghèo nàn, không hấp dẫn. Vì thế, có nguy cơ sa vào các hoạt động giải trí sai lệch, các trò chơi nguy hiểm. Không ít học sinh khi nghỉ hè, do quá nhàm chán với các trò chơi phong trào đã vùi mình với các trò chơi điện tử để giết thời gian hay rủ nhau ra sông bơi và không ít tai nạn thương tâm đã xảy ra. Không quản lý được thời gian và chủ động tạo sân chơi lành mạnh thì khả năng các em "bỏ rơi" một mùa hè vui tươi, bổ ích là không tránh khỏi.
Để tạo sân chơi lành mạnh thu hút các em tham gia trong những ngày hè, thiết nghĩ, các địa phương trong tỉnh cần chủ động tổ chức nhiều hơn nữa những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho các em. Đây không chỉ là việc riêng của mỗi gia đình, mà cần sự quan tâm phối hợp của tổ chức Đoàn, Đội, ngành Giáo dục, ngành Văn hóa, cũng như các tổ chức xã hội khác. Trong đó, cần phát huy vai trò của các Trung tâm học tập cộng đồng ở nông thôn, Trung tâm thanh thiếu nhi ở đô thị, tổ chức các chương trình sinh hoạt văn hóa văn nghệ, các lớp dạy võ thuật, bơi, vẽ, bóng rổ, bóng bàn; mở các CLB toán học, văn học, ngoại ngữ...
Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các điểm vui chơi để tạo cơ hội cho tất cả trẻ em. Về phía các bậc phụ huynh học sinh, cần nhận thức một cách đầy đủ hơn về sự cần thiết khi cho con em mình tham gia các hoạt động xã hội trong những ngày hè. Việc ôn tập, học hè cần được phân phối một cách hợp lý, không quá tải, nếu không sẽ "lợi bất cập hại". Hơn nữa, tham gia các hoạt động xã hội sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách cho các em, điều mà đôi khi các bậc phụ huynh thường dễ bỏ qua.
Quốc Khang