P.V: Xin đồng chí đánh giá về tình hình hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Những năm qua, đặc biệt là sau khi Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU về "Đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ" thì nghề và làng nghề ở tỉnh ta có bước phát triển toàn diện mang tính đột phá. Sự hình thành các làng nghề góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, đồng thời tạo ra giá trị sản xuất hàng năm khá lớn và giúp hàng chục nghìn lao động có việc làm ổn định. Theo thống kê của Sở Công thương thì hiện nay toàn tỉnh có 75 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Đến hết năm 2012, tổng số hộ làm nghề trong các làng nghề là 14.369 hộ với 27.220 lao động tham gia sản xuất tại các làng nghề. Giá trị sản xuất nghề năm 2012 đạt 1.407,7 tỷ đồng.
Bên cạnh phần lớn các làng nghề vẫn duy trì và phát triển ổn định thì một số làng nghề như: làng nghề cốt chăn bông Nhân Lý, làng nghề đan cót Vân Thị, làng nghề mây tre đan An Thái (Gia Viễn)… hiện đang sản xuất cầm chừng, không hiệu quả. Nguyên nhân là các sản phẩm truyền thống hiện nay không tìm được chỗ đứng trên thị trường do không cạnh tranh được với các sản phẩm nhựa và các vật liệu công nghiệp khác bền, đẹp, rẻ hơn.
P.V: Để tôn vinh các nghề truyền thống và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề cho lớp trẻ, tỉnh Ninh Bình lần đầu tiên công nhận nghệ nhân cho các nghề thủ công truyền thống. Xin đồng chí cho biết thêm về điều này?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Thực hiện Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 8-1-2013 của UBND tỉnh Ninh Bình, vừa qua Sở Công thương đã tiến hành các thủ tục, quy trình để công nhận nghệ nhân cấp tỉnh cho 16 cá nhân. Qua đánh giá của Hội đồng xét duyệt công nhận làng nghề, nghệ nhân cấp tỉnh nhìn chung các cá nhân có hồ sơ đề nghị đều là các cá nhân tiêu biểu của các làng nghề, địa phương có hoạt động nghề trên địa bàn. Hoạt động và thành tích nghề nghiệp của các cá nhân tiêu biểu trên được đồng nghiệp và nhân dân thừa nhận, suy tôn, là tấm gương cho đồng nghiệp và nhân dân noi theo, đã có tác dụng tích cực trong việc duy trì và phát triển nghề ổn định, bền vững tại địa phương. Việc công nhận danh hiệu nghệ nhân sẽ góp phần động viên các cá nhân, thợ lành nghề trong các làng nghề tích cực tham gia duy trì hoạt động nghề và tạo điều kiện để làng nghề phát triển.
Qua xét duyệt, làng nghề thêu Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư có 7 cá nhân tiêu biểu có hồ sơ đề nghị đều là các bậc cao niên trong làng nghề (người trẻ nhất sinh năm 1965, người cao tuổi nhất sinh năm 1926), có thâm niên nhiều năm trong nghề, cá biệt có cụ Chu Văn Lượng đã 87 tuổi với cả cuộc đời cống hiến cho nghề thêu tại thôn Văn Lâm.
Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân có 8 cá nhân có hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân nghề chế tác đá mỹ nghệ đều là các cá nhân, thợ giỏi lành nghề tại các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn xã Ninh Vân. Do đặc thù nghề nghiệp, các cá nhân có hồ sơ đề nghị đều có tuổi đời tương đối trẻ (người trẻ nhất sinh năm 1986, người cao tuổi nhất sinh năm 1954), tuy nhiên đây đều là các cá nhân, thợ giỏi tiêu biểu của các làng nghề, được đồng nghiệp và nhân dân suy tôn.
Đối với nghề gốm sứ có 1 hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân nghề gốm sứ là cá nhân anh Phạm Văn Vang ở thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, là địa phương có nghề gốm sứ cổ truyền đang bị mai một.
P.V: Thực tế hiện nay một số làng nghề chỉ còn trên danh nghĩa, lao động làng nghề phần lớn đã chuyển đổi nghề theo xu thế thị trường. Vậy phải chăng cơ quan quản lý Nhà nước nên có quá trình "tái cơ cấu" làng nghề?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Trong tương lai, nghề và làng nghề tiếp tục giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, nhất là ở khu vực nông thôn. Xu thế phát triển nghề sẽ theo hướng nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả; kết hợp bảo tồn nghề truyền thống với du nhập nghề mới; sử dụng tối đa lao động tại chỗ và bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh ta phấn đấu đến năm 2030, số làng có nghề trong tỉnh đạt 362 làng, chiếm 25,39% số tổng số làng trong tỉnh và số làng nghề được tỉnh công nhận lên 144 làng. Điều này rất phù hợp với chủ trương của Nhà nước khi xây dựng nông thôn mới là xây dựng mỗi làng một nghề.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trên, trước hết cần phân loại và "tái cơ cấu" các làng nghề, những làng nghề không còn phù hợp phải mạnh dạn xóa bỏ và thay thế bằng nghề mới, những làng nghề mà sản phẩm còn phù hợp nhưng bị suy giảm sẽ tập trung đầu tư, hỗ trợ để bảo tồn và khôi phục, những làng nghề suy giảm do hình thành các khu- cụm công nghiệp liền kề sẽ hướng lao động vào làm việc hoặc làm vệ tinh cho các khu- cụm công nghiệp.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04/NQ-TU về "Đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ". Trong đó, quy hoạch định hướng cho các làng nghề trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Từ đó xem xét nghề nào cần bảo tồn, nghề nào cần khôi phục phát triển mở rộng để có hướng đầu tư, hình thành các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tập trung cho từng vùng, từng địa bàn cụ thể nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đã chỉ rõ làm tốt khâu quy hoạch sẽ có điều kiện để xử lý vấn đề môi trường. Mở rộng mặt bằng khắc phục được tình trạng tự phát nhỏ lẻ thiếu sức cạnh tranh như hiện nay.
P.V: Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn, theo đồng chí hướng đi nào phù hợp cho làng nghề trong giai đoạn hiện nay?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Bên cạnh việc xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, một hướng mở khả thi cho các làng nghề hiện nay là chương trình gắn kết sản xuất làng nghề với du lịch. Thông qua du lịch, sản phẩm của các làng nghề có điều kiện đến với nhiều đối tượng tiêu dùng trong và ngoài nước, mở rộng thị trường xuất khẩu tại chỗ. Hiện mô hình du lịch làng nghề và làng nghề sản xuất phục vụ du lịch đang được nhiều địa phương, doanh nghiệp phối hợp triển khai như: Vân Long (Gia Viễn); Sơn Hà (Nho Quan)… bước đầu đã đem lại những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, những mô hình này chưa được nhân rộng, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của các làng nghề.
Để phát triển làng nghề theo hướng phục vụ du lịch thì Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp, càng làng nghề đẩy mạnh việc nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng làng nghề, phục vụ cho nhu cầu du lịch. Xây dựng và hợp tác liên kết với các tỉnh, thành và khu vực như: Hải Phòng, Hà Nội; khu vực Duyên Hải, Đông Bắc, các tỉnh Bắc Trung bộ theo các tour du lịch làng nghề để tham quan các điểm du lịch. Bên cạnh đó, kịp thời trùng tu và phát triển các di tích văn hóa, lịch sử, các hoạt động lễ hội truyền thống trong mỗi làng nghề góp phần làm phong phú thêm nội dụng các tour du lịch làng nghề.
Việc phát triển làng nghề phải gắn với phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng về bảo tồn làng nghề bao gồm việc nâng cấp, bảo tồn các di sản văn hóa, di tích lịch sử, nghệ nhân, xây dựng giữ gìn nét văn hóa và hoạt động nghệ thuật, nghiên cứu sáng tác phù hợp từng làng nghề, từng địa phương.
Ngoài ra, UBND tỉnh cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề cho phù hợp với tình hình mới. Tạo điều kiện cho các sản phẩm làng nghề được có mặt tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhiều hơn nữa để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Xin cảm ơn đồng chí!
Linh Huệ (Thực hiện)