Trong yêu cầu mới của giáo dục hiện đại, việc học lý thuyết đi đôi với thực hành đã gặp phải những rào cản không đáng có do thiếu các phòng chức năng. Điều này lâu nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của nhà trường.
Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh thị xã Ninh Bình, năm 1993, trường THPT Bán công thị xã Ninh Bình được thành lập với 3 lớp, địa điểm đặt Trung tâm dạy nghề thị xã Ninh Bình. Sau một thời gian ngắn quy mô trường, lớp đã được mở rộng. Trước yêu cầu đó, năm 2000, trường THPT Bán công thị xã Ninh Bình được chuyển về số 60, đường Hải Thượng Lãn Ông, là cơ sở cũ của Trung tâm GDTX thị xã Ninh Bình. Những năm qua, chất lượng của nhà trường từng bước được khẳng định, tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn đạt cao. Nhà trường luôn chú trọng tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đại trà. Bên cạnh đó chất lượng mũi nhọn đã được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm đúng mức và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cùng với việc dạy và học, các phong trào của nhà trường cũng luôn được chú trọng. Chi bộ nhà trường liên tục đạt trong sạch vững mạnh. Phong trào Đoàn phát triển mạnh, góp phần đắc lực cùng với nhà trường giáo dục - đào tạo học sinh, nhiều năm được Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn khen thưởng… Có được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục - Đào tạo và sự đồng thuận, cố gắng của Ban giám hiệu và tập thể sư phạm nhà trường. Những kết quả đạt được từ khi thành lập đã đưa Trường THPT Bán công thành phố Ninh Bình trở thành cánh chim đầu đàn của khối THPT hệ bán công.
Tuy nhiên, Trường đang gặp phải những khó khăn về cơ sở vật chất, cô giáo Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bản thân nhà trường cũng "lực bất tòng tâm". Hiện nay, quy mô nhà trường đã lên 18 lớp với gần 1.000 học sinh thuộc 3 khối học và gần 50 cán bộ, giáo viên, trong đó có 21 cán bộ, giáo viên cơ hữu, còn 29 cán bộ, giáo viên thỉnh giảng. Hằng năm, nhà trường đã đầu tư trang thiết bị phục vụ học tập như: Dụng cụ thí nghiệm, chương trình thay sách, 2 phòng máy tính, sách giáo khoa, sách tham khảo, máy photocopy…, thế nhưng hiện nay nhà trường mới chỉ có 12 phòng học, 5 phòng làm việc, 1 phòng họp, 1 phòng thư viện, thí nghiệm, nhà bảo vệ, lán xe phải tận dụng vỉa hè gây mất mỹ quan của đường phố, khi học sinh tan trường cũng làm cho giao thông bị cản trở.
Năm học 2006-2007, nhà trường cũng đã tu sửa, xây mới một khu làm việc nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của nhà trường, hiện học sinh vẫn phải học 2 ca, giáo viên các tổ bộ môn phải sinh hoạt chung một phòng vì không có phòng chuyên môn. Giờ học giáo dục thể chất của học sinh gói gọn trong một diện tích chưa đầy 100 m2, vì thế học sinh của nhà trường chỉ được học môn thể dục nhịp điệu, còn các bộ môn khác chỉ là "học lý thuyết".
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Hiệu phó nhà trường cho biết: "Trường không có phòng truyền thống, nên cờ, bằng khen, phần thưởng của Trường phải cất vào kho để dành không gian cho các sinh hoạt khác. Giáo viên muốn dạy thí nghiệm cũng ngại vì phòng thư viện, thí nghiệm cũng chỉ là phòng tận dụng, không đủ diện tích cho việc học thực hành của một lớp. Tuy nhiên, với diện tích hơn 900 m2 thì nhà trường dù có muốn xây dựng, cơi nới cũng không thể".
Với quy mô trường lớp của nhà trường để xây dựng một trường chuẩn theo quy định mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì nhà trường cần phải có diện tích từ 3-5 ha với đầy đủ phòng học 1 ca, phòng hiệu bộ, 7 phòng sinh hoạt chuyên môn, phòng vi tính - ngoại ngữ, phòng học thí nghiệm các bộ môn, văn thư, thư viện, hành chính, khu sân chơi, bãi tập, công viên…
Thực tế cũng cho thấy, toàn thành phố từ nay đến 2015 vẫn có khoảng trên dưới 2.000 học sinh có nhu cầu học THPT, trong đó 3 trường công lập là: Lương Văn Tụy, Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng mỗi năm chỉ tuyển sinh được 1.300 học sinh, hơn nữa, mục tiêu của tỉnh Ninh Bình là hằng năm có từ 70-80% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học các trường THPT.
Như vậy có thể nói việc mở rộng quy mô của Trường THPT Bán công Ninh Bình là hết sức cần thiết và tiến tới cần phải thay đổi hệ đào tạo từ hệ bán công sang hệ công lập hoặc tư thục theo đúng Luật Giáo dục. Thay mặt Ban giám hiệu nhà trường, cô giáo Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng đề nghị: Trước mắt nhà trường cũng rất muốn các cấp, các ngành quan tâm để nhà trường có thể có một diện tích phù hợp cho việc xây dựng trường với quy mô phù hợp và theo đúng chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Nguyễn Thơm