Gia đình chị Lê Thị Thêu ở xã Khánh Hòa (huyện Yên Khánh) có một con nhỏ lên 3 tuổi. Nhà chị làm nghề thu mua hàng tươi sống như rắn, lươn, cua cá… không những trong nhà có con vật nguy hiểm là rắn, mà nhà chị còn có từ 30-40 chiếc thùng đựng nước để duy trì môi trường sống cho các mặt hàng tươi sống, trong khi những chiếc thùng nước này chỉ vừa tầm tay với của một đứa trẻ. Đăng ký thực hiện mô hình "Ngôi nhà an toàn cho trẻ", gia đình chị Thêu đã được các cán bộ xã đến tận nơi tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn các kỹ năng, biện pháp nhằm phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ ngay trong chính ngôi nhà của mình. Theo đó, chị Thêu đã trang bị các nắp đậy thùng chứa nước cẩn thận, đồng thời dặn dò con không tiếp xúc với các thùng đựng những con vật nguy hiểm như rắn, cua.
Còn vợ chồng chị Lê Thị Quyên cũng ở xã Khánh Hòa, làm nghề bán hoa quả. Công việc bận rộn quanh năm, nên việc chăm sóc, trông nom 3 đứa con nhỏ vợ chồng chị nhờ cả vào bà nội. Xung quanh nhà chị Quyên có nhiều ao nước, bởi vậy mỗi lần đi chợ, vợ chồng chị đều thấp thỏm lo lắng. Chị Quyên chia sẻ, trẻ con hiếu động, chỉ cần người lớn lơ là một chút thôi là chúng có thể gặp rủi ro. Vậy nên năm 2012, khi xã được lựa chọn làm điểm triển khai mô hình "Ngôi nhà an toàn cho trẻ", gia đình chị đăng ký thực hiện. Theo đó, anh chị làm hàng rào tre chắc chắn quây xung quanh ao, tạo khu vực vui chơi an toàn cho trẻ, từ đó việc trông giữ trẻ cũng đơn giản hơn. Cũng qua hướng dẫn của cán bộ phụ trách trẻ em, gia đình chị Quyên biết cách bố trí các vật dụng trong nhà an toàn cho con, đặc biệt là phòng chống điện giật, cháy nổ...
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết, khi được lựa chọn làm điểm mô hình "Ngôi nhà an toàn cho trẻ", hàng tháng, cán bộ xã đều tổ chức tuyên truyền theo chuyên đề, tư vấn tại cộng đồng lồng ghép vào các cuộc họp tổ, nhóm của đoàn thể, buổi sinh hoạt dưới cờ trong trường học, đồng thời hướng dẫn gia đình biết cách làm cho ngôi nhà của mình trở nên an toàn hơn. Qua tuyên truyền, vận động về những nguy hiểm của tai nạn thương tích đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh đã chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường sống an toàn, như: Làm hàng rào quanh nhà, cử người lớn trông trẻ, để các vật dụng sắc, nhọn, nguy hiểm như thuốc trừ sâu, nước sôi, bếp lửa, điện thắp sáng… ở xa tầm tay của trẻ. Đến nay, mô hình "Ngôi nhà an toàn cho trẻ" đã bao phủ toàn xã. Xã có hơn 2.000 hộ thì có trên 800 hộ có trẻ nhỏ đăng ký thực hiện mô hình "Ngôi nhà an toàn cho trẻ". Nhiều năm liền xã Khánh Hòa không có trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước, một số tai nạn thương tích khác cũng giảm đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, nhiều gia đình chủ động đăng ký và thực hiện các tiêu chí "Ngôi nhà an toàn cho trẻ". Từ năm 2015 đến nay, Sở đã tổ chức 30 cuộc tư vấn cộng đồng về kiến thức kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em với sự tham gia của trên 4.000 cán bộ và nhân dân. Hiện toàn tỉnh có trên 3 nghìn hộ gia đình được công nhận là ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Hiệu quả là vậy nhưng việc triển khai nhân rộng mô hình cũng gặp khó khăn do kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn chế. Vì vậy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ chọn số ít xã thực hiện làm điểm. Đây là những xã có trẻ em bị tai nạn thương tích cao, hoặc có nguy cơ cao hơn. Mô hình "Ngôi nhà an toàn cho trẻ" đã góp phần tích cực trong phòng, chống tai nạn thương tích đối với trẻ em.
Hiện nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đang tích cực hướng dẫn Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Văn hóa, Thông tin chỉ đạo tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh tiêu chí xây dựng ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em; các kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em. Căng treo các panô, khẩu hiệu, tờ rơi tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em. Làm biển báo nguy hiểm tại nơi có điện cao thế, nơi nước sâu, nơi đường giao thông không an toàn để cảnh báo, đề phòng tai nạn có thể xảy ra với trẻ em tại 11 xã triển khai điểm mô hình…, giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết và loại bỏ các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ, góp phần nâng cao ý thức của người dân về an toàn cộng đồng, đặc biệt là lấy sự an toàn của trẻ em làm trọng tâm trong công tác phòng tránh tai nạn, thương tích.
Nguyễn Hùng