Từ mô hình thử nghiệm khoảng 2ha năm 2009, đến năm 2014, diện tích lúa gieo thẳng toàn tỉnh đã đạt 11.000ha. Đến vụ Đông Xuân năm 2015, diện tích gieo thẳng toàn tỉnh đạt hơn 7.100ha. Hiệu quả của phương thức gieo thẳng đã được người dân các huyện Yên Khánh, Yên Mô đánh giá cao. Ngoài tiết kiệm chi phí, công lao động, gieo thẳng còn giúp đảm bảo khung thời vụ tốt nhất, giảm thiểu những thiệt hại từ sâu bệnh hại lúa. Chình vì những lợi ích đó, tỉnh luôn khuyến khích người dân sử dụng phương thức gieo thẳng lúa nhằm tăng giá trị canh tác trên một đơn vị đất nông nghiệp. Riêng đối với Kim Sơn, lợi thế về địa hình, chất lượng đất nông nghiệp và trình độ canh tác lâu đời của người dân nơi đây tạo những thuận lợi không hề nhỏ cho việc áp dụng phương thức trên, thế nhưng nhiều năm nay, người dân nơi đây vẫn sử dụng phương pháp cấy truyền thống.
Ông Hoàng Văn Định, Chủ nhiệm HTX Tân Thành (Kim Sơn) cho biết: Người dân nơi đây đã từng sử dụng phương thức gieo thẳng, có thời điểm áp dụng trên 50% diện tích. Tuy nhiên, theo thời gian, do ảnh hưởng của tư tưởng sản xuất truyền thống, đồng thời diện tích đồng ruộng nhỏ lẻ, manh mún nên việc áp dụng gieo thẳng bị mai một dần, từ đó diện tích lúa gieo thẳng giảm xuống qua từng năm.
Đến nay, chỉ duy trì được từ 5 - 10 ha mỗi vụ. Theo ông Định, khi áp dụng phương thức gieo thẳng, năng suất lúa tăng từ 30 - 40 kg/sào, công lao động và chi phí sản xuất giảm xuống đáng kể. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, việc dồn điền, đổi thửa đã cơ bản hoàn thiện, kênh mương được kiên cố, giao thông nội đồng thuận lợi... càng thúc đẩy việc phát triển lại phương thức gieo thẳng, gieo vãi trên những cánh đồng lúa Kim Sơn.
Vụ đông xuân 2015 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện một số mô hình tại địa bàn Kim Sơn để làm rõ những ưu điểm của phương thức gieo thẳng so với gieo cấy, từ đó khuyến khích người dân trên địa bàn huyện áp dụng rộng rãi phương thức gieo thẳng trong sản xuất lúa.
Ông Trần Văn Của, xóm 5, xã Tân Thành là một hộ gia đình thực hiện mô hình lúa gieo thẳng cho biết: Gieo thẳng đỡ vất vả hơn cấy rất nhiều. Ngoài việc rút ngắn nhiều công đoạn so với cấy, gieo thẳng còn giúp giảm nhiều chi phí. Nếu như cấy truyền thống, từ gieo mạ đến hoàn thành việc cấy, gia đình ước tính tốn khoảng 200 nghìn đồng/sào, thì gieo thẳng chỉ tốn khoảng 100 nghìn đồng/sào. Chi phí cho phân lân, đạm của gieo thẳng giảm 50 nghìn đồng/sào so với cấy. Có thể thấy gieo thẳng tiết kiệm rất nhiều công sức và chi phí sản xuất cho người dân. Việc tiết kiệm công lao động và chi phí sản xuất sẽ dẫn đến tăng hiệu quả kinh tế, từ đó góp phần tăng chất lượng cuộc sống cho người dân.
Phương thức gieo thẳng đã cho thấy sự ưu việt vượt trội so với cấy truyền thống, tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa áp dụng rộng rãi. Theo ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh), thông qua những mô hình thí nghiệm tại các địa phương, chúng tôi muốn người dân thấy rõ sự ưu việt của phương thức gieo thẳng, để từ đó mong muốn người dân áp dụng rộng rãi hơn.
Kim Sơn có đất đai màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, tập quán canh tác theo hướng truyền thống của người dân nơi đây khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Chính vì vậy cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã, sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Ban quản trị HTX trong tuyên truyền, khuyến khích nhằm tạo sự đồng thuận từ phía người dân trong việc áp dụng rộng rãi phương thức gieo thẳng lúa.
Thái Học