Những năm qua, nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được hình thành trên địa bàn tỉnh, thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp (DN) vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, kéo theo một lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống. Trong đó phần lớn người lao động có tuổi đời còn trẻ, đang ở tuổi sinh sản, do đó nhu cầu về chỗ học, nơi chăm sóc cho con độ tuổi mầm non rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các KCN, CCN đều chưa có trường mầm non, dẫn đến nhu cầu bức thiết này của công nhân, người lao động chưa được đáp ứng…
Cách đây 4 năm, nhiều công nhân của Công ty cổ phần may xuất khẩu Ninh Bình cũng gặp khó khăn tương tự như công nhân ở nhiều KCN, CCN trên. Nhiều công nhân gửi con ở trường mầm non công lập, sau khi con tan học đã đón về nơi làm việc chờ đến khi tan ca mới đưa con về nhà. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến công việc của chính lao động mà còn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh và sự an toàn cho trẻ. Nắm bắt được thực tế đó, năm 2014, Công ty cổ phần may xuất khẩu Ninh Bình tự bỏ kinh phí, dành quỹ đất thành lập cơ sở mầm non ngay tại công ty. Cơ sở mầm non có diện tích rộng hơn 200m2, chăm sóc cho 2 nhóm lớp nhà trẻ và mẫu giáo. Công ty cũng tuyển dụng giáo viên mầm non để phụ trách việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, tạo điều kiện cho công nhân lao động yên tâm làm việc.
Bà Hoàng Thị Hiên, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần may xuất khẩu Ninh Bình cho rằng, từ thực tế nhu cầu của cán bộ, công nhân không có nơi gửi trẻ, trường công lập đón sớm nên lãnh đạo công ty đã xây dựng nhà trẻ và trả con theo giờ bố mẹ đi làm về. Điều đáng nói ở đây là, cơ sở mầm non của Công ty nhận trông trẻ từ 6 tháng tuổi, ngay sau khi công nhân hết chế độ nghỉ thai sản theo quy định của Nhà nước (khác với các trường công lập hiện nay, chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên). Điều đó tạo điều kiện rất lớn cho những lao động nữ mới sinh con. Hiện tại, cơ sở đang trông giữ, chăm sóc từ 25-30 trẻ; thời điểm nghỉ hè, số trẻ tăng lên đến 60 cháu. Do có nơi gửi con phù hợp nên công nhân của công ty rất yên tâm gắn bó với công việc và tích cực tham gia mọi hoạt động, phong trào thi đua do công ty tổ chức.
Theo số liệu thống kê của LĐLĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 145.000 công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó lao động nữ chiếm gần 80% tổng số lao động. Lực lượng lao động này phần lớn đang ở độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ nên nhu cầu có chỗ gửi con rất cao. Không tìm được nơi gửi con phù hợp khiến nhiều lao động phải chọn giải pháp xin thôi việc hoặc đi làm với số ngày công không đều. Điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động mà còn gây khó khăn cho các DN vì thường xuyên thiếu hụt lao động. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Liên đoàn lao động tỉnh, Công đoàn các KCN tỉnh, cho thấy: Tại KCN Phúc Sơn, nhu cầu này chiếm gần 80%; KCN Gián Khẩu chiếm 78%; KCN Tam Điệp chiếm 60% và KCN Khánh Phú chiếm trên 30%. Nhu cầu được gửi con tại nhà trẻ, trường mầm non trong các KCN, CCN là nguyện vọng chính đáng và cần thiết của người lao động, song hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có KCN, CCN nào xây được trường mầm non.
Tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, khu chế xuất đến năm 2020", với những cơ chế ưu đãi nhằm thúc đẩy xã hội hóa các cơ sở trông trẻ tư thục. Ngoài ra, tại Quyết định số 655, ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" đã giao nhiệm vụ cụ thể các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh thực hiện các giải pháp theo từng giai đoạn, bảo đảm đến năm 2030, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, bệnh viện, khu vui chơi thể thao, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động.
Để thực hiện có hiệu quả các Đề án, Quyết định trên, Liên đoàn lao động, Công đoàn các KCN tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế; tích cực đề xuất, kiến nghị với tỉnh quan tâm đưa vấn đề xây dựng các thiết chế công đoàn trong quá trình quy hoạch các KCN, CCN. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xã hội hóa trong việc xây dựng nhà trẻ tại công ty nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động. Đồng thời tích cực tham mưu cho công đoàn cấp trên và chính quyền các cấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quỹ đất và hỗ trợ một số chính sách phù hợp để xây dựng nhà trẻ - nhà mẫu giáo… Bởi khi giải quyết được vấn đề có nhà trẻ, trường mầm non trong các KCN, CCN sẽ tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc, giúp doanh nghiệp có nguồn lao động bền vững để phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học, bậc học trên địa bàn.
Mỹ Hạnh