Bà Nguyễn Thị T ở Gia Viễn cho biết: Cháu tôi bị mắc bệnh tự kỷ. Lúc nhỏ gia đình không ai nhận biết được những khác biệt của cháu. Chỉ khi thấy cháu nói kém, nghe kém so với các bạn cùng độ tuổi, gia đình mới đưa cháu đi khám và được biết nguyên nhân do cháu mắc một trong các thể của tự kỷ. Qua tìm hiểu, gia đình bà được biết ở thành phố Ninh Bình có những cô giáo nhận dạy trẻ tự kỷ nên đến xin học. Để cháu theo học thường xuyên, gia đình đã thuê một căn nhà nhỏ ở phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) cho hai bà cháu ở. Hàng ngày, bà chở cháu đến lớp học theo chương trình cô giáo đã đưa ra. Bà bảo, theo dõi các buổi học của cháu thấy nội dung cô giáo dạy cũng dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với trẻ tự kỷ nhưng mức học phí khá "căng": 500.000 đồng/buổi/2 giờ. Với thu nhập của nhà nông, đây là mức thu khá cao nên gia đình bà T đều bảo nhau cố gắng tích lũy để cho cháu theo học một thời gian cho ổn định rồi về nhà người lớn thay nhau dạy. Còn theo học lâu dài thì gia đình bà không có điều kiện vì chi phí mỗi tháng cũng phải trên chục triệu đồng…
Qua tìm hiểu thực tế hoạt động dạy trẻ khuyết tật nói chung, trẻ mắc chứng tự kỷ nói riêng trên địa bàn tỉnh cho thấy đây là hoạt động chưa được quan tâm toàn diện. Với những gia đình có con không may bị khuyết tật, nếu có điều kiện về kinh tế, các gia đình thường đưa con đi Hà Nội và các trung tâm lớn trong cả nước để khám, chữa bệnh và theo học. Còn phần lớn các gia đình kinh tế không dư giả, cứ nghe ai mách có giáo viên dạy trẻ khuyết tật là tìm đến xin học. Tuy nhiên, số gia đình cho con đi học ở những giáo viên nhận dạy kèm tại nhà cũng không nhiều vì chi phí mỗi buổi học cao.
Chưa kể, nhiều gia đình vì mặc cảm, vì ngại không muốn chia sẻ về bệnh tật của con với những người xung quanh nên thường giấu, không cho con giao tiếp với bên ngoài, tự dạy con ở nhà theo những gì mình biết. Với những giáo viên dạy trẻ tự kỷ, khi tiếp xúc với một đứa trẻ được bố mẹ đưa đến, bao giờ họ cũng kiểm tra xem mức độ bệnh tật của cháu để có quyết định nhận vào học hay không. Đã có nhiều phụ huynh phải rơi nước mắt vì cô giáo (mặc dù chỉ là giáo viên tiểu học có nghề "tay trái" nhận dạy thêm trẻ tự kỷ, không có kiến thức về y khoa) từ chối với lý do: chỉ nhận những trẻ có khả năng tiếp thu…
Bà Lã Thị Lụa, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết thêm: Những năm trước, mỗi năm các trường học trên địa bàn tỉnh thường tiếp nhận khoảng 500- 600 cháu khuyết tật vào học hòa nhập. Còn hiện nay con số này chỉ vào khoảng 250 -300 cháu, tỷ lệ huy động trẻ khuyết tật đến trường mới đạt khoảng 60%. Vì là học hòa nhập nên chưa có trường nào có chương trình giảng dạy dành riêng cho trẻ khuyết tật. Vì học hòa nhập nên thời gian dành cho đối tượng học sinh đặc biệt này không có nhiều. Bên cạnh đó, việc phân loại trẻ khuyết tật, nhà trường không thực hiện được vì không có chức năng khám và sàng lọc khuyết tật. Với đối tượng học sinh đặc biệt này, cần phải có trường lớp riêng, môi trường giáo dục riêng, giáo trình riêng mới mong các cháu phát triển…
Trao đổi với bà Nguyễn Nữ Tâm An, giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I được biết: Để xác định được trẻ khuyết tật phát triển, các gia đình cần phải đưa con em mình đến các cơ sở y tế chuyên khoa, chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục đặc biệt để khám sàng lọc, chẩn đoán dấu hiệu chậm phát triển, dấu hiệu khuyết tật. Tùy vào mức độ khuyết tật và điều kiện thực tế, trẻ có thể học ở ba hình thức: chuyên biệt, hội nhập và hòa nhập. Tuy nhiên, với nhiều trẻ khuyết tật, điều cần thiết là phải được học ở môi trường chuyên biệt mới mong có sự tiến bộ, phát triển.
Một tin vui đối với các bậc phụ huynh và trẻ khuyết tật trong độ tuổi mầm non, đó là hiện nay Trường mầm non Mai Thế Hệ (phường Phúc Thành - thành phố Ninh Bình) đã có kế hoạch đưa chương trình giáo dục đặc biệt vào giảng dạy. Bà Mai Vân Anh, Giám đốc điều hành Trường Mầm non Mai Thế Hệ cho biết: Trước nhu cầu của đông phụ huynh có con em khuyết tật muốn vào học tại trường nên nhà trường đã quyết định thành lập Trung tâm Giáo dục đặc biệt nhằm giảm bớt khó khăn cho các gia đình có con em bị khuyết tật trong việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Nhà trường đã phối hợp với các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục đặc biệt và một số Trung tâm Giáo dục đặc biệt tại Hà Nội để chuẩn bị các điều kiện đưa Trung tâm Giáo dục đặc biệt vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Nhà trường đã chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất với 1 phòng sinh hoạt nhóm, 4 phòng can thiệp cá nhân và 8 lớp hòa nhập.
Đội ngũ giáo viên dạy trẻ khuyết tật được đào tạo cơ bản về giáo dục đặc biệt và được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn với các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục đặc biệt. Đối với trẻ khi đến xin học, nhà trường sẽ tiến hành đánh giá đầu vào để chỉ ra mức độ phát triển, xác định các mục tiêu giáo dục, môi trường giáo dục phù hợp, mức độ hỗ trợ cá nhân. Trong đó, sử dụng bảng đánh giá mức độ sẵn sàng hòa nhập cho trẻ mầm non do các chuyên gia xây dựng để xác định hình thức giáo dục cho trẻ. Quá trình trẻ đến học tại trường, phụ huynh được tham dự các giờ học ít nhất 1 lần/tháng, tham gia các hoạt động chuyên môn, dã ngoại và cho ý kiến vào kế hoạch giáo dục cá nhân của trẻ. Mỗi trẻ khuyết tật được đánh giá lại 3 tháng/lần rồi căn cứ vào kết quả sẽ chuyển sang hòa nhập một phần hoặc hòa nhập hoàn toàn nếu tiến triển tốt…
Với mô hình giáo dục dành riêng cho trẻ khuyết tật như ở Trường Mầm non Mai Thế Hệ, các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu và đăng ký cho con theo học một cách thuận tiện và như vậy, các trẻ khuyết tật sẽ sớm có cơ hội học tập, phát triển.
Bài, ảnh: Bùi Diệu