Điều 26 Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012 quy định, tất cả doanh nghiệp dù có hay chưa có công đoàn cơ sở đều phải trích nộp kinh phí 2% trên tổng quỹ tiền lương đóng BHXH cho người lao động. Sau khi trích nộp, công đoàn cơ sở được sử dụng 65% số kinh phí, 60% đoàn phí cho các hoạt động chăm lo cho người lao động tại đơn vị. Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên được phân cấp thu phí công đoàn khi nhận được kinh phí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng, được sử dụng 65% tổng số thu để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại đơn vị. Quy định đã rõ, song việc thực hiện ở các doanh nghiệp thì vẫn còn hạn chế.
Theo số liệu thống kê của Liên đoàn lao động huyện Gia Viễn, hiện trên địa bàn huyện có 218 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình kinh doanh cá thể, hiện có 26 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, nhưng mới chỉ có 32 doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn. Nói về nguyên nhân, bà Đinh Thị Hoa, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Gia Viễn cho biết, bên cạnh một số doanh nghiệp gặp những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, còn có không ít doanh nghiệp mượn cớ khó khăn để cố tình chây ỳ. Thực trạng này làm cho công đoàn cơ sở không có nguồn kinh phí để chủ động thực hiện các hoạt động; làm mất quyền của công đoàn cơ sở trong việc được thu, trích và quản lý kinh phí; không thực hiện được nghĩa vụ tài chính với công đoàn cấp trên. Điều này gây ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của công đoàn cũng như quyền lợi của người lao động.
Không riêng gì ở Gia Viễn, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực công đoàn, nhất là về kinh phí công đoàn ở các địa phương khác trong tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Trong các đợt thanh tra lao động, công đoàn, một trong những sai phạm thường gặp đó là trốn đóng kinh phí công đoàn và người thiệt thòi nhất vẫn là người lao động.
Nhằm khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản 149 về đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động và công đoàn. Qua 6 tháng triển khai, thực hiện văn bản 149 đã có tác động tích cực đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đã có nhiều người sử dụng lao động nắm rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với việc thực hiện pháp luật về lao động và công đoàn. Bước chuyển biến này thể hiện ở việc các doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn đến tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục để thành lập công đoàn cơ sở, đồng thời thực hiện việc đóng kinh phí công đoàn. Năm 2016, Liên đoàn lao động tỉnh giao dự toán kinh phí công đoàn ở 295 doanh nghiệp, trong đó có 192 doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn, 103 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Tính đến đầu tháng 11/2016, đã có 156/195 doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn, đạt 52,9%, trong đó 133 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và 23 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Số kinh phí công đoàn thu được của doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt 73%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng thì việc thu phí công đoàn trong các doanh nghiệp vẫn còn đạt tỷ lệ thấp so với yêu cầu và quy định của pháp luật. Bà Phạm Thị Hải Yến, Trưởng Ban Tài chính, Liên đoàn lao động tỉnh cho biết: Theo Điều 24c, Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: chậm đóng kinh phí công đoàn, đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định, đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng. Tuy nhiên, đến nay Liên đoàn lao động tỉnh và Liên đoàn lao động các cấp chưa xử phạt được trường hợp nào. Bởi lẽ, Nghị định đã có song lại chưa có chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp không thực hiện quyết định xử phạt. Và cũng chưa có cơ quan quản lý nào được giao nhiệm vụ thực thi việc xử phạt đối với các doanh nghiệp không trích nộp phí công đoàn.
Nguyễn Hùng