Đặc biệt là việc triển khai cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" hiện đại và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, tạo sự "đột phá" trong quy trình giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC).
Từ các mô hình "3 trong 1"
Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cơ chế "một cửa" được duy trì tại 100% đơn vị cấp xã, huyện và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cơ chế "một cửa liên thông" hiện đại từng bước được mở rộng gắn với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết TTHC.
Tại bộ phận "Một cửa liên thông" của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Phạm Đức Quang, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình cho biết: "Tôi đến đăng ký kinh doanh thành lập Công ty TNHH một thành viên Hồng Phong, thủ tục ở đây rất thuận lợi chỉ cần nộp đầy đủ hồ sơ tại bộ phận "Một cửa liên thông" của Sở, được tư vấn, hướng dẫn và nhận giấy hẹn. Sau 5 ngày làm việc, tôi đã nhận được đầy đủ bộ thủ tục, bao gồm: Giấy Đăng ký kinh doanh, mã số doanh nghiệp, giấy chứng nhận sử dụng con dấu".
Đây chỉ là một trong số hơn 5 nghìn trường hợp đã được giải quyết TTHC thuận lợi tại bộ phận "Một cửa liên thông" của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Mô hình đang áp dụng tại đây là sự liên kết "theo chiều ngang" giữa 3 cơ quan là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và Cục thuế Ninh Bình.
Với mô hình này, người thực hiện đăng ký kinh doanh rất thuận lợi, chỉ đến bộ phận "Một cửa liên thông" của Sở Kế hoạch và Đầu tư thay vì phải đến làm thủ tục ở cả 3 cơ quan như trước đây, giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký kinh doanh từ 10 ngày theo quy định của Luật Doanh nghiệp xuống chỉ còn 5 ngày làm việc.
Cơ chế này đã "giải phóng" rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp mà chức năng của mỗi cơ quan không hề chồng chéo, trái lại còn ngày càng nâng tầm tương xứng với nhiệm vụ của mỗi ngành. Doanh nghiệp thành lập được cấp ngay con dấu, mã số thuế, do vậy cơ quan quản lý nắm được chính xác số doanh nghiệp hoạt động, tránh tình trạng đăng ký xong nhưng không hoạt động, thất thu thuế cho Nhà nước.
Cùng với liên kết "ngang" liên kết "dọc" theo cơ chế một cửa liên thông tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là sự gắn kết trong xử lý thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp giữa các cơ quan từ tỉnh đến huyện. Với cơ chế này, người dân chỉ cần giao dịch tại UBND xã, phường, nhận giấy hẹn trả kết quả từ 1-30 ngày tùy vào công việc. Các cơ quan chức năng từ tỉnh đến xã sẽ phối hợp để luân chuyển hồ sơ và trả kết quả, người dân không phải trực tiếp tham gia các khâu trung chuyển, nhưng lại được cung cấp thông tin và hướng dẫn, tạo điều kiện cho việc kê khai, giám sát quá trình thụ lý hồ sơ, tiết kiệm đáng kể thời gian, tiền bạc cho người dân và doanh nghiệp.
Đến các văn phòng điện tử
Cùng với nhân rộng các mô hình "Một cửa liên thông" hiện đại, các sở, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã còn tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt là trong việc tiếp nhận và xử lý các TTHC. Việc ứng dụng các phần mềm tiện ích trong tiếp nhận và xử lý các TTHC, tiêu biểu như: Các phần mềm E-office, phầm mềm quản lý văn bản, phần mềm "Một cửa điện tử", phần mềm quản lý hộ tịch, hộ khẩu… đã và đang giúp tiết kiệm thời gian, công sức trong quá trình lập, chuyển các loại báo cáo, văn bản nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, thuận tiện và minh bạch trong hoạt động điều hành của các cơ quan hành chính.
Tại Sở Thông tin và Truyền thông, quy trình xử lý TTHC đã có sự thay đổi đáng kể, với việc ứng dụng phần mềm E-office, nhân viên văn phòng thay vì phải phôtô công văn giấy tờ ra thành nhiều bản chuyển đến các phòng, ban, cán bộ liên quan và ban giám đốc như trước đây, chỉ cần đưa vào máy scan, văn bản được lưu lại dưới dạng tập tin tài liệu. Từ đây, văn bản được chuyển đi trong mạng Internet nội bộ đến tất cả những người liên quan. Lãnh đạo sau khi xem xét sẽ phân công các bộ phận, cá nhân liên quan giải quyết; trình tự thời gian giải quyết cũng được ấn định và nhắc nhở thời điểm hoàn thành… Một điều rất tiện lợi là từ các đồng chí lãnh đạo cho đến cán bộ, nhân viên nếu đi công tác xa, không có mặt tại Sở vẫn có thể nắm được tình hình và giải quyết công việc bằng cách truy cập vào hệ thống nội bộ qua tài khoản của mình.
Cũng như Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay đã có nhiều sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã triển khai ứng dụng phần mềm hỗ trợ điều hành công việc hàng ngày như: các Sở Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Công thương và các huyện Kim Sơn, Gia Viễn, Yên Mô, thị xã Tam Điệp, thành phố Ninh Bình... tạo ra một cuộc "cách mạng" thực sự trong việc tiếp nhận và xử lý các TTHC. Từ đó, đã giảm được thời gian xử lý công việc cho cán bộ tiếp nhận và thụ lý, giúp công tác thống kê và quản lý hồ sơ khoa học hơn, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính, đồng thời cung cấp các công cụ giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua hệ thống mã vạch đặt tại bộ phận "Một cửa" hoặc qua mạng Internet.
Ngoài ra, Ninh Bình còn là địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước (Đề án 30). Đến nay, tỉnh đã tập hợp đầy đủ bộ TTHC 3 cấp chính quyền và công bố công khai trên cơ sở dữ liệu Quốc gia 1.050 trang văn bản, trên 500 biểu mẫu, tờ khai, hướng dẫn của 199 thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị cấp tỉnh, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thực hiện.
Đỗ Ngọc