Tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo là rất thấp. Do đó, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần được quan tâm thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức cho mỗi gia đình, bản thân học sinh về việc lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với học lực, sở trường cũng như nhu cầu của xã hội…Những năm gần đây, nhiều trường THPT trong tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt công tác định hướng nghề nghiệp để giúp các em học sinh có những sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp cho tương lai của mình.
Đến thời điểm này, Nguyễn Thị Vân, học sinh lớp 12B (trường THPT Ngô Thì Nhậm), đã hoàn tất hồ sơ, giấy tờ để chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vân cho biết: Yêu nghề giáo, nên em luôn nỗ lực học tập để theo đuổi ước mơ của mình. Khi được các thầy, cô giáo tư vấn về lựa chọn ngành nghề dự thi, em càng tự tin hơn với dự định của mình. Qua 2 lần thi thử đại học tại trường, em đều đạt trên 20 điểm. Em cũng tự đánh giá được lực học, khả năng của mình để cố gắng hơn cho kỳ thi quan trọng sắp tới...
Trao đổi với cô giáo Tạ Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thì Nhậm (thị xã Tam Điệp) được biết: Từ một trường bán công chuyển đổi sang hình thức công lập đã 7 năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường nói chung, chất lượng ôn thi đại học, cao đẳng nói riêng đã có những chuyển biến rõ nét dựa trên kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hàng năm.
Công tác hướng nghiệp được nhà trường chú trọng vào các ngành nghề, khối thi… phù hợp với năng lực, sở trường của từng học sinh. Ngay từ đầu năm học, Ban tư vấn hướng nghiệp của nhà trường đã thực hiện công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khi các em bước vào học lớp 10. Trong suốt quá trình học tập, thông qua kết quả các bài kiểm tra, các kỳ thi, qua các text đánh giá nhu cầu, sở thích của học sinh… nhà trường định hướng công tác ôn tập với từng khối thi. Để có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình học sinh, thông qua các buổi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm các lớp đều thông báo tình hình học tập của học sinh, đề cập đến các thông tin về việc lựa chọn ngành thi, khối thi để phụ huynh biết, tư vấn, giúp đỡ con em mình.
Với những học sinh có học lực trung bình, yếu, trong các buổi tư vấn, các thầy, cô giáo cũng trao đổi thẳng thắn để phụ huynh và học sinh nắm được, nên có hướng lựa chọn các trường nghề cho phù hợp với lực học. Do đó, số lượng học sinh có học lực trung bình, yếu dự thi đại học giảm dần qua từng năm. Năm 2013 vừa qua, nhà trường đã có 70/246 học sinh lớp 12 đăng ký thi vào các trường cao đẳng nghề, số học sinh thi đỗ các trường đại học tốp 2, tốp 3 đạt 61,6%, chủ yếu là thi đỗ khối các trường đại học xã hội và những trường có mức điểm từ điểm sàn đến khoảng 20 điểm, tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng toàn trường đạt 88%...
Năm học này, nhà trường đã phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng trong và ngoài địa bàn, thông qua đội sinh viên sư phạm về thực tập, qua hoạt động của Ban tư vấn hướng nghiệp, các thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp, Đoàn trường… đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp cho 183 học sinh khối 12 với mong muốn tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng đạt cao. Và quan trọng hơn là giúp các em lựa chọn được cơ hội ngành nghề, khối thi phù hợp với năng lực, nhu cầu xã hội.
Đối với Trường THPT Ninh Bình- Bạc Liêu (thành phố Ninh Bình), đến thời điểm này, nhà trường đã hoàn tất công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong công tác tư vấn, hướng nghiệp, với đặc thù của học sinh có học lực phần lớn là trung bình, nhà trường chú trọng giúp các em có thêm nhận thức về trường thi, khối thi, ngành học, hiểu biết về các ngành nghề trong xã hội để có định hướng phấn đấu trong quá trình học tập. Trong đó, nhà trường tập trung hướng các em nên đăng ký dự thi vào các trường cao đẳng có hệ liên thông lên đại học, các trường đại học ở tốp dưới, nên thi các khối C, D... Từ năm học 2010- 2011, trường bắt đầu thí điểm ôn thi đại học, cao đẳng cho học sinh khối lớp 12 từ giữa tháng 9, tập trung chủ yếu vào 2 khối C, D, hướng dẫn học sinh đến đăng ký dự thi ở các trường THPT có tổ chức thi thử đại học, cao đẳng để đánh giá được khả năng của mình cũng như làm quen với kiểu đề và tâm lý thi cử...
Bên cạnh đó, Ban tuyển sinh nhà trường đã nắm bắt và cập nhật kịp thời các thông tin tuyển sinh để thường xuyên trao đổi với học sinh và tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh vào thời điểm từ tháng 2 trở đi. Qua việc coi trọng và làm tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, nhà trường đã thực hiện tốt việc phân luồng học sinh để học sinh có sự lựa chọn đúng đắn: Kết quả qua các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng: Năm 2011, tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng đạt 35,7%, năm 2012 tỷ lệ này là đạt 50,6%, năm 2013 là 55,2%... đã cho thấy hiệu quả từ việc quan tâm thực hiện tốt công tác định hướng nghề nghiệp đã góp phần đưa tỷ lệ thi đỗ đại học, cao đẳng của học sinh nhà trường tăng qua từng năm.
Bài, ảnh: Bùi Diệu