Tại Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Ninh Bình), một tiết dạy Văn học không đơn thuần chỉ có kiến thức về văn học nữa, mà giáo viên đã lồng ghép, kết hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân vào giảng dạy. Cô giáo Nguyễn Thị Nga, Phó hiệu trưởng nhà trường, giáo viên giảng dạy môn Văn học cho biết: "Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi nhận thấy, việc kết hợp kiến thức các môn học để giải quyết một vấn đề nào đó là việc làm vô cùng cần thiết, đòi hỏi người dạy không chỉ nắm chắc môn mình dạy mà còn phải không ngừng trau dồi kiến thức các môn học khác để có thể tổ chức, hướng dẫn học sinh giải quyết các tình huống, các vấn đề đặt ra một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất" . Với phương pháp dạy học mới này không chỉ đòi hỏi giáo viên phải đổi mới mà chính các em học sinh cũng phải biết tổng hợp, huy động kiến thức ở nhiều môn học khác nhau để giải quyết các vấn đề đặt ra. Từ đó, học sinh sẽ hiểu rộng hơn, sâu hơn và nắm chắc kiến thức hơn. Em Nguyễn Hoàng Diệu, học sinh lớp 9B Trường THCS Lý Tự Trọng chia sẻ: "Khi nắm được những đổi mới của kỳ thi vào lớp 10 THPT 2017-2018, chúng em khá bất ngờ và lo lắng, bởi bài thi tổng hợp đòi hỏi chúng em phải học khá nhiều môn. Tuy nhiên, khi được các thầy, cô giáo tư vấn, định hướng và đặc biệt là thay đổi cách giảng dạy, đánh giá qua các bài thi thì chúng em bớt lo lắng hơn. Ngoài giờ học trên lớp, chúng em còn tự nghiên cứu, sưu tầm học hỏi trên mạng, tham khảo đề thi của các tỉnh khác đã thực hiện từ những năm học trước để làm quen với cách làm bài và các dạng đề, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho kỳ thi sắp tới…"
Trước sự thay đổi của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2017-2018, Trường THCS Lý Tự Trọng đã phát động giáo viên chủ động nghiên cứu, nâng cao năng lực dạy học theo hướng "tích hợp, liên môn" để giảng dạy cho gần 300 học sinh khối lớp 9, phấn đấu năm học 2017-2018 tiếp tục giữ vững thành tích trường dẫn đầu có số học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy đông nhất và số thủ khoa nhiều nhất tỉnh. Cô giáo Nguyễn Thị Song Phương, giáo viên dạy Toán cho biết: "Với phương pháp dạy tích hợp sẽ giúp cho giáo viên và học sinh phát huy sự tư duy, linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong học tập. Đặc biệt dạy học theo hình thức này, thầy và trò không chỉ dạy và học trên lý thuyết mà bắt buộc phải dạy và học trên thực tiễn, gắn với thực tiễn cuộc sống... Năm nay, trong đề thi môn toán có sự thay đổi, đó là có 2 điểm cho phần thi trắc nghiệm, điều đó đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy và hình thức kiểm tra để học sinh làm quen với dạng đề này, tiến tới phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia đã và đang được đổi mới bằng phần lớn thi theo hình thức trắc nghiệm…".
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, dạy học theo phương pháp tích hợp, liên môn thực tế chỉ là một trong rất nhiều chương trình hành động của ngành giáo dục nhằm đổi mới phương pháp dạy và học, đem lại hiệu quả thực chất, toàn diện. Theo đó, ngay từ nhiều năm học trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học, tổ chuyên môn và giáo viên chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng của học sinh. Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho giáo viên rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn, chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật cho học sinh. Cùng với đó, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn cho giáo viên, học sinh nhằm động viên giáo viên, học sinh nghiên cứu, tìm tòi vận dụng kiến thức trong nhà trường vào giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn; đồng thời tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của giáo viên và học sinh...
Được biết, UBND tỉnh vừa có công văn số 409 về việc thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức các bài thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2017-2018. Theo đó, đối với Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, không tuyển sinh lớp 10 hệ không chuyên, nhưng tuyển sinh tăng thêm 3 lớp hệ chuyên là: 1 lớp chuyên Toán, 1 lớp chuyên Văn, 1 lớp chuyên Tiếng Anh; đồng thời điều chỉnh số học sinh của lớp chuyên tiếng Anh và tiếng Pháp tối đa là 25 học sinh. Tổng chỉ tiêu dự kiến 1 năm học là 425 học sinh. Đối với Trường THPT Ninh Bình - Bạc Liêu tuyển sinh tăng thêm 1 lớp 10, thành 7 lớp mỗi khối (tương đương khoảng 270 học sinh mỗi khối).
Một trong những điểm mới nhận được nhiều sự quan tâm của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh, đó là, từ năm học 2017-2018, các em học sinh sẽ thi 3 bài thi: Bài thi môn Toán, bài thi môn Ngữ văn và bài thi tổng hợp (gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh và hiểu biết xã hội). Riêng bài thi tổng hợp gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có 20 câu hỏi môn Tiếng Anh, các môn còn lại mỗi môn 5 câu, phần hiểu biết xã hội được lồng ghép vào câu hỏi của các bộ môn.
Hình thức thi được tổ chức thi trắc nghiệm đối với bài thi tổng hợp, các bài thi còn lại sẽ thi viết (tự luận hoặc kết hợp tự luận với trắc nghiệm). Nội dung đề thi trong phạm vi chương trình THCS do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trong đó chủ yếu ở lớp 9. Cùng với đó, đề thi minh họa cũng đã được Sở Giáo dục và Đào tạo gửi cho các nhà trường, giúp thầy, cô giáo và học sinh từng bước làm quen với hình thức thi mới.
Như vậy, trước những thay đổi về chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức các bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018, đòi hỏi các trường THCS cần đẩy mạnh hơn việc đổi mới phương pháp dạy và học, tổng hợp các kiến thức cần thiết cho học sinh làm các bài thi môn bắt buộc và môn tổng hợp đạt hiệu quả cao nhất.
Mỹ Hạnh