Mặc dù được coi là "yếu thế" hơn, nhưng các QTD nhân dân đang nỗ lực phát huy thế mạnh để vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định thương hiệu.
Cạnh tranh quyết liệt
Có lẽ chưa lúc nào hệ thống các QTD trên địa bàn tỉnh lại gặp khó khăn như thời gian qua. Đặc biệt là trong những tháng 5 và 6-2008, khi cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi ở vào giai đoạn quyết liệt nhất.
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Quỹ tín dụng Trung ương, chi nhánh Ninh Bình cho biết, đây là lần đầu tiên (kể từ khi hệ thống QTD Ninh Bình được thành lập năm 1993) phải đối mặt với khó khăn lớn như vậy. So với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thì hệ thống QTD "yếu thế" hơn nhiều do cơ sở vật chất hạn chế, trình độ đội ngũ cán bộ chưa cao, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống chưa được quan tâm đúng mức nên chưa tạo ra sự tăng tốc trong thị trường tín dụng đầy sôi động như hiện nay. Trong số 26 QTD trên địa bàn tỉnh, gặp khó khăn nhất là các quỹ đứng chân trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, nơi có sự hiện diện của nhiều NHTM.
Theo ông Mai Văn Tân, Giám đốc QTD nhân dân phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình), hiện nay hầu hết các QTD đang bị sức ép rất lớn từ sự mở rộng địa bàn hoạt động của các NHTM. Ngay trên phường Phúc Thành đã có tới 4 phòng giao dịch tham gia thị trường tín dụng, trong đó có những ngân hàng lớn có tiềm lực mạnh như Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong cuộc cạnh tranh về hoạt động tín dụng, khách hàng thường bị thu hút bởi các chiến dịch quảng cáo, lãi suất và các chiêu khuyến mãi... những ưu thế này lại thuộc về các NHTM vì quy mô lớn, địa bàn rộng. Bên cạnh đó, có những khách hàng vẫn chưa thật sự hiểu rõ về mô hình hoạt động của Quỹ nên chưa an tâm về khoản tiền gửi của mình. Thậm chí có khách hàng chỉ thấy lãi suất chênh nhau 0,01 - 0,02%/tháng thì đã ngay lập tức rút tiền trước kỳ hạn từ QTD để đem gửi NHTM. Trong thời kỳ lãi suất huy động được các tổ chức tín dụng đẩy lên cao, khách hàng của QTD Phúc Thành đã rút 800 triệu đồng, trong đó phần lớn là rút trước hạn. Để tiếp tục tồn tại, Quỹ đã đưa ra nhiều giải pháp như giảm cho vay, tăng vốn dự trữ, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả, tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, tăng giờ làm, ngày làm việc (kể cả thứ 7, chủ nhật). Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của QTD nhân dân Trung ương nên khách hàng rút ít hay nhiều vẫn có tiền đáp ứng. Chính điều đó đã tạo được tâm lý an tâm cho các khách hàng, nên tránh được tình trạng rút tiền ồ ạt.
Tạo ra lợi thế cạnh tranh
Đến thời điểm hiện tại, với quy mô nhỏ, các QTD trên địa bàn tỉnh chỉ hạn chế trong hoạt động huy động và cho vay nên mức sinh lợi không cao bằng các NHTM với nhiều dịch vụ gia tăng khác. Nhưng các QTD còn có nhiều điểm mạnh so với các chi nhánh NHTM từ nơi khác về, bởi nhân viên của các QTD là người địa phương, nắm chắc được tình hình dân cư trên địa bàn. Tận dụng ưu thế bằng những món vay nhỏ, lẻ, thủ tục đơn giản, thời gian làm việc linh hoạt, cán bộ tín dụng là người thường xuyên tiếp xúc hàng ngày với khách hàng nên giám sát được việc sử dụng vốn vay, quá trình luân chuyển vốn. Hơn nữa việc tính toán cho vay sát với nhu cầu vay vốn, mục đích, chu kỳ sản xuất, kinh doanh nên các QTD bảo đảm thu nợ kịp thời, hạn chế được rất nhiều rủi ro trong tín dụng. Các QTD đã chủ động trong việc cho vay, thường xuyên bám sát định hướng phát triển kinh tế tại địa phương về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng kinh doanh, dịch vụ để có kế hoạch đầu tư cho vay đúng hướng, giúp thành viên phát huy được hiệu quả vốn vay... Bên cạnh đó, Quỹ còn giải quyết cho nhiều hộ kinh doanh các ngành nghề tại các chợ vay vốn để buôn bán. Hình thức cho vay này đã góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu tệ nạn cho vay nặng lãi, giúp giải quyết phần nào nhu cầu vốn của các hộ kinh doanh nhỏ khó tiếp cận được nguồn vốn tại các ngân hàng.
Ông Đặng Văn Quang chia sẻ: "Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng từ đầu năm đến nay, các QTD đã huy động được trên 164,4 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ của toàn hệ thống lên trên 242,3 tỷ đồng. Chúng tôi phát huy thế mạnh là sống gần dân nên hiểu và nắm được nguyện vọng của dân về vốn, khi họ có nhu cầu vay vốn thì nhanh chóng hỗ trợ họ; đối với những người có tiền nhàn rỗi, dù nhiều hay ít chúng tôi cũng động viên họ gửi vào Quỹ, vừa an toàn lại vừa sinh lợi. Nói theo kiểu kinh doanh tức là chúng tôi biết phát huy lợi thế so sánh để nắm bắt cơ hội, tạo ra lợi thế cạnh tranh, tăng uy tín trong phục vụ khách hàng. Trong lúc khu vực kinh tế dân doanh, hộ cá thể có hướng phát triển nhanh các dịch vụ, cả về quy mô, số lượng và lĩnh vực ngành nghề thì QTD sẽ người góp sức với họ để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong cộng đồng dân cư".
Trên thực tế, môi trường cạnh tranh trong ngành Ngân hàng ở tỉnh ta rất sôi động với nhiều tổ chức tín dụng đang hoạt động và hàng trăm điểm giao dịch. Hệ thống các QTD đang nỗ lực vượt qua khó khăn, tự khẳng định mình nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với sản phẩm và dịch vụ tài chính, quyết tâm khẳng định vị thế của QTD trên thị trường tài chính Ninh Bình.
Bài, ảnh: Quốc Khang