Đoàn công tác đã đi kiểm tra các cống trên đê Bình Minh 3, dự án xây dựng đường nối ra Cồn Nổi và thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh. Cùng với việc kiểm tra thực tế, Đoàn công tác đã được nghe báo cáo của huyện Kim Sơn, Đồn biên phòng Kim Sơn về công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 2. Theo đó, tất cả lao động trên 196 chòi nuôi ngao ngoài khu vực đê Bình Minh 3 đã được đưa vào bờ.
Đến 15 giờ ngày 16/7, đã có 122 tàu thuyền đánh bắt gần bờ đã di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn, còn lại 26 phương tiện cùng 74 thuyền viên. Lực lượng biên phòng cam kết đến 17 giờ ngày 16/7 sẽ đưa toàn bộ số phương tiện cùng toàn bộ thuyền viên vào bờ tập kết. Lực lượng biên phòng đã liên lạc với 9 tàu thuyền của địa phương hiện đang đánh bắt xa bờ trên vùng biển Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... và thông báo diễn biến của cơn bão số 2, yêu cầu các tàu thuyền trên về nơi trú bão an toàn.
Về phía huyện Kim Sơn, UBND huyện đã phát đi 3 công điện tới các xã, thị trấn về diễn biến của cơn bão số 2 và công tác chuẩn bị cần thực hiện nghiêm túc như: trực ban 24/24h, kêu gọi tàu thuyền về bờ, rút nước đệm trên diện tích lúa mùa vừa cấy, chỉ đạo các xã xây dựng các điểm chốt chặn, không cho người dân ra khơi. Các lực lượng bộ đội, công an đã được huy động, cùng lực lượng của xã xây dựng 11 điểm chốt chặn trên tuyến đê Bình Minh 3. Đến 15 giờ ngày 16/7, lệnh "cấm biển" có hiệu lực. Tại dự án xây dựng tuyến đường nối ra Cồn Nổi, tất cả công nhân thi công công trình đã vào nơi an toàn, một số máy móc đã được chằng, buộc vững chắc.
Tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã biểu dương sự chủ động, tích cực và nghiêm túc của huyện Kim Sơn cũng như các lực lượng chức năng địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác ứng phó với cơn bão số 2. Tuy dự báo cơn bão số 2 không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta, song các địa phương cùng các ngành không được chủ quan, phải luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu huyện Kim Sơn, lực lượng biên phòng và công an cần tập trung huy động lực lượng, sẵn sàng ứng phó ngay tại thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, duy trì chế độ trực ban 24/24h. Theo dõi sát sao và đôn đốc các tàu thuyền đánh bắt thủy sản về nơi tránh trú bão theo thời gian quy định.
Huyện Kim Sơn chỉ đạo các xã ven biển nắm bắt số lượng nhân khẩu, số người già neo đơn, số trẻ em ngoài đê Bình Minh 2... sẵn sàng phương án di dân khi diễn biến cơn bão thay đổi. Đồng thời tập trung phối hợp với Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi huyện tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó đối với tình hình mưa lớn có thể xảy ra, gây úng, lụt cho lúa đã gieo cấy.
• Chiều 16/7, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 2 tại các huyện Gia Viễn, Nho Quan và thành phố Tam Điệp. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và PTNT, Giao thông Vận tải, Công thương; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tại TP Tam Điệp. Ảnh: MĐ
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn đã đi kiểm tra các vị trí trọng điểm, xung yếu về phòng chống bão lũ: Đập tràn Lạc Khoái; đê Đức Long-Gia Tường; trạm bơm Nho Phong, xã Đức Long; cầu phao Xích Thổ; hồ Yên Quang; Trạm bơm Quang Hiển (thành phố Tam Điệp)... Đồng thời nghe báo cáo nhanh của các địa phương về công tác chuẩn bị phòng, chống cơn bão số 2, các kiến nghị đề xuất của các địa phương.
Theo đó, đến nay huyện Gia Viễn đã gieo cấy được trên 60% tổng diện tích lúa mùa; các trạm bơm tiêu đã hoạt động hết công suất, tiêu kiệt nước đệm trong vùng; đập tràn Lạc Khoái trước đó đã được bảo dưỡng, vận hành tốt; hệ thống đê đảm bảo chống lũ theo thiết kế. Gia Viễn là huyện vùng trũng nên khi mưa to kéo dài sẽ gây ngập úng nặng cho lúa mới cấy, nên cần đảm bảo đủ và kịp thời điện cho công tác chống úng.
Tại huyện Nho Quan, lúa mùa đã gieo cấy xong, đạt trên 5.000 ha, nhiều vùng lúa đã lên xanh tốt; 9 trạm bơm với gần 30 máy bơm tiêu đang hoạt động bơm tiêu nước đệm. Nho Quan đề nghị tỉnh cho đầu tư nâng cấp một số trạm bơm, sửa chữa hư hỏng trên đê hồ Yên Quang. Thành phố Tam Điệp đã thông báo cho các cơ quan, đơn vị triển khai công tác phòng chống bão số 2, nhất là các chủ mỏ trên địa bàn; triển khai bơm tiêu nước đệm cho diện tích lúa cấy ở thôn Quang Hiển. Lãnh đạo thành phố Tam Điệp lo ngại khi có mưa to hệ thống thoát nước đường giao thông bị ách tắc, nước tràn xuống mặt đường, gây úng ngập và có thể làm ách tắc giao thông.
Tại các địa phương đến kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương các địa phương đã chủ động, tích cực chuẩn bị các phương án và các điều kiện cần thiết cho phòng, chống cơn bão số 2. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương không được chủ quan, chuẩn bị đầy đủ và kịp thời các điều kiện cần thiết; quan tâm giúp đỡ các hộ già cả neo đơn, gia đình chính sách trong công tác phòng, chống bão; tiêu kiệt nước đệm trong vùng; kiểm tra, canh gác các đập hồ chứa nước; vận động nhân dân khơi thông cống rãnh tiêu thoát nước; ngành điện có phương án chống đổ cho các cột điện và đảm bảo đủ điện cho tiêu úng cứu lúa khi cần. Công ty KTCTTL tỉnh kiểm tra, rà soát tuyến đê hồ Yên Quang, tu bổ, sửa chữa lại những chỗ bị hư hỏng.
Huyện Nho Quan bố trí kinh phí cho nâng cấp kênh tiêu Trạm bơm Nho Phong (Đức Long) đã bị hư hỏng, đảm bảo cho công tác chống úng; chú ý đến vấn đề sạt lở đất và việc di dời người dân ra khỏi khu vực này. Thành phố Tam Điệp chú ý đến các mỏ; hộ dân sống ven đồi, núi; có nguy cơ sạt lở đất phải di dời đến nơi an toàn. Các sở, ngành khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đầy đủ và kịp thời cho công tác phòng, chống cơn bão số 2.
Thái Học - Trường Sinh