Nỗ lực ổn định sản xuất, kinh doanh Ông Hoàng Đức Long, Giám đốc Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có chiều hướng sụt giảm, tuy nhiên, một số sản phẩm chủ lực vẫn giữ tốc độ khá, nên mức tăng trưởng chung vẫn ổn định.
Doanh thu tháng 3 ước đạt 5.026 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, tăng 287 tỷ đồng so với tháng 2, tăng 16 tỷ đồng so với tháng 1, lũy kế 3 tháng ước đạt 15.680 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tháng 3 ước đạt 141 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ, tăng 9 triệu USD so với tháng 2, giảm 33 triệu USD so với tháng 1, lũy kế 3 tháng ước đạt 380 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ.
Quý I cũng ghi nhận sự nỗ lực cao của các doanh nghiệp để tiếp tục sản xuất ổn định như xi măng Vissai, MC NEX Vina... Do đó, các sản phẩm công nghiệp chủ lực vẫn duy trì mức tăng trưởng khá như: Camera modul ước đạt 37 triệu sản phẩm, tăng 15% so với cùng kỳ; kính nổi ước đạt 115.169 tấn, tăng 35%; giầy, dép vải ước đạt 7.606 nghìn sản phẩm, tăng 46%; linh kiện điện tử ước đạt 13.074 nghìn sản phẩm, tăng 10%; xe ô tô các loại ước đạt 16.221 chiếc, tăng 9%.
Đặc biệt một số sản phẩm đã có mức tăng ấn tượng trong tháng 3 như: Camera modul ước đạt 14,5 triệu sản phẩm tăng 55% so với cùng kỳ (tăng 4 triệu sản phẩm so với tháng 2 và tăng 6,5 triệu sản phẩm so với tháng 1); kính nổi ước đạt 36.605 tấn sản phẩm tăng 65% (giảm 3.569 tấn so với tháng 2 và giảm 5.078 tấn so với tháng 1)…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi nguồn cung nguyên liệu từ phía đối tác nước ngoài nên có xu hướng sụt giảm như may mặc, ô tô, phân bón …
Vì vậy, so với cùng kỳ năm 2019 các sản phẩm công nghiệp chủ lực có biến động, cụ thể: Mặc dù tính chung toàn quý lượng xe ô tô lắp ráp của Nhà máy Ô tô Thành Công vẫn tăng 9%, nhưng trong tháng 3, lắp ráp xe ô tô ước đạt 4.758 chiếc giảm 10% so với cùng kỳ, giảm 757 chiếc so với tháng 2, giảm 1.682 chiếc so với tháng 1; các sản phẩm của nhà máy Bình Điền ước đạt 5.497 tấn giảm 27%, tăng 1.638 tấn so với tháng 2, giảm 3.664 tấn so với tháng 1, lũy kế 3 tháng ước đạt 14.479 tấn giảm 30% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm may mặc ước đạt 1.488 nghìn sản phẩm giảm 12%, lũy kế 3 tháng ước đạt 4.010 nghìn sản phẩm giảm 7% so với cùng kỳ; các sản phẩm của nhà máy đạm ước đạt 41.725 tấn giảm 26% (tăng 1.315 tấn so với tháng 2 và giảm 4.701 tấn so với tháng 1), lũy kế 3 tháng ước đạt 160.321 tấn giảm 13%.
Như vậy, có thể thấy một số sản phẩm giảm sút nhiều trong tháng 3 như: ô tô, phân đạm, may mặc... nhưng một số sản phẩm vẫn tăng đều như: camera modul, kính nổi, clinker... Do vậy doanh thu và giá trị xuất khẩu trong các KCN vẫn đạt mức độ tăng trưởng 3%.
Cần có sự chung tay của nhà nước và doanh nghiệp
Thực tế hiện nay, những tác động của dịch bệnh tới thị trường và các biện pháp nhằm hạn chế dịch lây lan của các quốc gia đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh tế toàn cầu cũng như trong nước. Các con số trên đã phản ánh phần nào bức tranh kinh tế của tỉnh trước những khó khăn hiện tại.
Ông Hoàng Đức Long cho rằng: Mặc dù các doanh nghiệp nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong quý I, nhưng nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và không khống chế được trong quý II thì các ngành kinh tế của tỉnh nói chung ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu nói riêng sẽ gặp hàng loạt khó khăn bởi thiếu nguyên liệu và thị trường đầu ra xuất khẩu.
Dự báo về tình hình sản xuất trong quý II và những tháng tiếp theo ông Hoàng Đức Long nhận định: Ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, dệt may của Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc, Trung Quốc.
Hiện tại, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho các lĩnh vực này. Do vậy, dự báo với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thời gian tới, một số sản phẩm chủ lực như ô tô sẽ giảm khoảng 50% sản lượng do thiếu nguồn nguyên liệu. Một số sản phẩm khác sẽ giảm từ 5-7% so với kế hoạch.
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay rất cần có sự chung tay của Nhà nước và doanh nghiệp để đảm bảo đời sống cho người lao động cũng như ổn định kinh tế trong nước. Chính vì thế, bên cạnh các chính sách của Chính phủ về thuế, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, Ban quản lý các KCN sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, xem xét các đề xuất của doanh nghiệp để báo cáo UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời theo đúng quy định.
Về phía các doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số. Đặc biệt, nếu trong thời gian tới sản xuất gặp khó khăn dẫn đến một số dự án phải tạm dừng hoạt động, tỉnh đang bàn bạc thống nhất với các doanh nghiệp duy trì ổn định cuộc sống cho người lao động, để công nhân không bỏ việc dẫn đến tình trạng thiếu lao động khi doanh nghiệp sản xuất trở lại.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Đức Long cũng đề xuất, Chính phủ cũng cần có giải pháp giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu; cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch…
Về lâu dài, Chính phủ, các bộ, ngành phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thu hút đầu tư từng bước xây dựng chuỗi sản xuất khép kín trong nước.
Nguyễn Thơm