* Lượng mưa đo được trên địa bàn huyện Yên Khánh tính đến 11h ngày 13-7 là 155 mm. Mưa to đã làm 4.379 ha lúa ngập úng; trong đó ngập trắng 1.730 ha, ngập phất phơ là 500 ha, ngập 2/3 là 2.149 ha. Trước tình hình trên, Đội khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện đã chỉ đạo các cụm thủy nông khẩn trương triển khai các biện pháp chống úng cho từng vùng. Bố trí công nhân trực 24/24h tại các cống trên tuyến đê Đáy, sông Mới, sông Vạc để tận dụng từng giờ thủy triều thấp mở cống tiêu nước. Triển khai vận hành 7 trạm bơm tiêu như Khánh Công, Liễu Tường, Chính Tâm, Cổ Quàng, Đầm Van, Khánh An với 53 máy bơm các loại để bơm tiêu nước. ở những khu vực xa công trình đầu mối như Khánh Thủy, xã tổ chức khoanh vùng cục bộ, huy động các phương tiện bơm dầu, bơm điện để bơm tát kịp thời chống úng cho lúa mùa... Đội phối hợp với các xã, HTX tiến hành kiểm tra khơi thông dòng chảy, giải tỏa đăng đó, vó, cượm, bèo trên các trục tiêu đảm bảo cho việc tiêu thoát nước nhanh. Các xã, HTX đã và đang tiến hành vận hành máy bơm dầu, bơm điện hiện có để phối hợp chống úng.
* Tại huyện Kim Sơn: Mưa to đã làm cho 2.000 ha lúa mùa của huyện ngập trắng. Đội KTCTTL huyện đã huy động 100% cán bộ, công nhân trực 24/24h tại các cống như Lạc Thiện, Tân Hưng, Kiến Thái, Kè Đông, Biện Nhị, Hồi Thuần… trên tuyến đê Hữu Đáy và sông Vạc để tận dụng từng giờ thủy triều thấp mở cống tiêu nước. Tổ chức vận hành tối đa công suất của các trạm bơm Chất Thành, Quy Hậu, Kim Đài, Phát Diệm, Cồn Thoi để bơm tiêu nước chống úng cho lúa mùa. Tổ chức khoanh vùng tiêu úng cục bộ. Thường xuyên theo dõi tình hình bão lũ, kiểm tra đồng ruộng, các cống dưới đê, trạm bơm để có biện pháp chỉ đạo tiêu nước đạt hiệu quả cao.
* Theo báo cáo của UBND huyện Nho Quan, tính đến 7 giờ ngày 14-7, lượng mưa đo được là 201 mm. Mưa to kéo dài cũng đã làm 470 ha lúa mùa của huyện bị ngập úng. Mặc dù Nho Quan là địa bàn có lượng mưa lớn, địa hình phức tạp nhưng huyện đã chỉ đạo triển khai sớm các biện pháp phòng, chống bão số 4, đặc biệt là vận hành các trạm bơm tiêu, mở cống tiêu thoát nước đệm trong đồng. Tổ chức hoành triệt 17 cống dưới đê để phòng nước sông Hoàng Long lên cao; vận hành 40 máy bơm tiêu với tổng công suất trên 100.000 m3/h; các xã và HTX đã huy động tối đa phương tiện, máy bơm dã chiến để tiêu úng cứu lúa. Dự kiến đến chiều ngày 14-7, các diện tích lúa bị ngập úng của huyện sẽ được bơm tiêu thoát nước.
* Mưa to đã làm cho 450/1.319 ha lúa mùa của thành phố Ninh Bình bị ngập úng. Ngay chiều ngày 12-7, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành khơi thông dòng chảy, khẩn trương chống úng cho lúa mùa. Các trạm bơm trên địa bàn thuộc Công ty KTCTTL tỉnh quản lý hoạt động bơm tiêu úng liên tục 24/24h. Ngoài ra, để tiêu úng kịp thời, cùng với 3 trạm bơm: Hoàng Sơn, Cồn Muôi, phía Nam thành phố, 22 trạm bơm của các HTX trên địa bàn quản lý đã được huy động để chống úng. Đến ngày 14-7, đã có 150 ha lúa được bơm tiêu thoát nước, còn lại 300 ha đang tiếp tục được bơm tiêu.
* Trong 2 ngày 12 và 13-7, trên địa bàn huyện Hoa Lư đã có mưa to với lượng mưa trên 160 mm, làm cho nhiều diện tích lúa mùa bị ngập úng. Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện đã chỉ đạo các xã, HTX triển khai ngay các phương án chống úng. Huy động nhân dân giải tỏa đăng đó, khơi thông dòng chảy tạo điều kiện cho nước tự thoát; 94 máy bơm của 46 trạm bơm trên địa bàn huyện đã được sử dụng hết công suất. Đến sáng ngày 14-7, hầu hết diện tích lúa bị ngập nước đã rút, còn lại 178 ha vẫn còn ngập, trong đó diện tích bị ngập trắng là 36 ha. Do toàn bộ diện tích lúa của huyện được cấy trước ngày 5-7 nên nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa bão.
*Tại huyện Gia Viễn: Do đặc trưng địa hình đồng chiêm trũng nên khi có mưa lớn nhiều diện tích lúa mùa bị ngập úng của huyện Gia Viễn chiếm trên 4.500 ha. UBND huyện, Phòng Nông nghiệp & PTNT, các địa phương đã triển khai kịp thời các biện pháp tiêu úng cho lúa mùa. Huyện đã huy động 102 máy bơm của Đội KTCTTL huyện và 76 máy bơm dầu, bơm điện của các HTX liên tục hoạt động để bơm tiêu kiệt nước cho lúa mùa. Đồng thời vận động nhân dân tích cực khơi thông dòng chảy, khi nước rút đến đâu tiếp tục tiến hành chăm sóc đợt 1 cho diện tích lúa mới cấy và đợt 2 cho diện tích lúa mùa sớm đảm bảo lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt.
* Mưa to đã gây ngập úng 1.563 ha lúa mùa, chiếm 23,3% tổng diện tích của huyện Yên Mô, trong đó có 427,5 ha bị ngập trắng. Nhiều xã có diện tích bị ngập lớn trên 164 ha như Khánh Thượng, Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Đồng. Huyện đã huy động 91 máy bơm tiêu liên tục để cứu lúa. Đối với một số diện tích gặp khó khăn do trạm bơm đang thi công tại thôn Thừa Thiên (xã Yên Đồng), huyện đã chỉ đạo xã sử dụng các máy bơm dã chiến tiến hành bơm nước liên tục, kết hợp với việc phân công người trực tại các cống để thoát nước theo biện pháp tự chảy khi mức nước cho phép. UBND huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí lực lượng xung kích duy trì tốt chế độ trực phòng, chống lụt bão. Đến chiều ngày 13-7, cơ bản diện tích lúa mùa của huyện đã được bơm tiêu nước.
* Trong 2 ngày 12 và 13-7, trên địa bàn thị xã Tam Điệp đã có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được là 154 mm. Thị xã đã tập trung tiêu úng cho 100% diện tích lúa mùa đã cấy và chưa cấy để khi nước rút tiếp tục cấy đảm bảo tiến độ. Do lượng mưa lớn nên một số diện tích lúa mới cấy của xã Yên Bình bị ngập trắng (28 ha), nhưng đến sáng 14-7 hầu hết diện tích lúa đã cấy và cây màu đã được rút hết nước. Hiện tại, mực nước trên các sông đang rút nhanh. Các công trình đê điều không bị ảnh hưởng, 8 trạm bơm tiêu úng với 20 máy được vận hành liên tục. Diện tích nuôi trồng thủy sản không bị ảnh hưởng, không có hiện tượng ngập úng cục bộ, hệ thống đường giao thông không bị sạt lở.
Nhóm P.V Kinh tế