Giữa biển lúa vàng 130 ha cánh đồng mẫu của xã Khánh Hải (Yên Khánh) chúng tôi như ngập trong niềm vui của một vụ mùa thắng lợi nhờ ý Đảng hợp với lòng dân. Cuộc cánh mạng chuyển đổi tập quán sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa trải qua bao gian nan thử thách đã đưa nền nông nghiệp của huyện nhà sang một bước ngoặt hết sức quan trọng. Đó không chỉ là việc tăng năng suất sản lượng mà quan trọng hơn là hình thành một hướng đi bền vững cho cây lúa.
Chị Đoàn Thị Tâm, xóm 6, Khánh Hải vừa nhanh tay buộc nốt những bao lúa cuối cùng, vừa vui vẻ trò chuyện: 7 sào lúa này, tôi chuyển từ giống khang dân sang QR1, rồi lại chuyển từ gieo cấy sang gieo sạ theo sự vận động, hỗ trợ của xã, của huyện mà vẫn nơm nớp trong lòng. Thế nhưng lúa xuống giống muộn đã tránh được trận rét dài, phát triển đều và đẻ nhánh rất nhanh, vừa tiết kiệm được giống, vừa tiết kiệm được công lao động. Do hàng trăm hộ thực hiện cùng gieo một giống, cùng quy trình kỹ thuật nên lúa chín đều, tiện cho việc đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch, vừa giảm thất thoát do rơi rụng mà thu hoạch mau gọn, tránh được mưa gió, bão lụt.
Vụ đông xuân 2012, huyện Yên Mô gieo cấy được 6.554,5 ha lúa, trong đó 100% diện tích là trà xuân muộn. Năm nay, huyện tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng đảm bảo tỷ lệ giống lúa lai phù hợp; mở rộng thâm canh giống lúa cao sản, lúa chất lượng cao. Vì vậy, tỷ lệ lúa lai và lúa chất lượng cao chiếm trên 95% diện tích gieo cấy.
Đồng chí Tạ Ngọc Nha, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thái cho biết: Vụ đông xuân này toàn xã gieo cấy được hơn 400 ha lúa, trong đó diện tích lúa nếp, lúa chất lượng cao chiếm gần 60%. Do cơ cấu chủ yếu là các giống lúa ngắn ngày như LT2, QR1, Bắc thơm số 7... nên thời điểm này lúa đã bắt đầu cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt khoảng 60-62 tạ/ha.
Để đảm bảo thu hoạch nhanh, gọn lúa đông xuân, tránh mưa bão thất thường và chuyển trọng tâm sang làm vụ mùa, hiện nay xã đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp đôn đốc nhân dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, phấn đấu đến ngày 20-6 sẽ cơ bản thu hoạch xong.
Về vùng đất Cố đô Hoa Lư, thỉnh thoảng trận mưa giông lại làm đứt quãng công việc đồng áng của bà con nông dân. Tất bật gặt lúa, hối hả chạy mưa khiến cho quang cảnh vào mùa nơi đây rộn ràng, khẩn trương hơn bao giờ hết. Âm thanh rộn rã của 3 chiếc máy gặt đập liên hợp tỏa đều khắp cánh đồng Cửa Chùa, xã Trường Yên cho chúng tôi một hình ảnh thật ấn tượng về việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Anh Hoàng Văn Đào vừa xếp những bao lúa lên xe, vừa trò chuyện: Đa phần bà con đều thuê máy về gặt, chỉ có 120.000 đồng/sào, rẻ hơn 40.000 nghìn đồng so với thuê người gặt, đó là chưa kể tiền máy tuốt. Năm nay, mặc dù Hoa Lư còn không ít diện tích lúa chín muộn nhưng bước đi mới trong cơ giới hóa đã giúp huyện thu hoạch nhanh gọn và người nông dân đỡ lận đận giữa 2 vụ sản xuất liền kề. Vụ mùa 2012, Hoa Lư phấn đấu cấy trên 2.937 ha lúa, trong đó trà mùa sớm chiếm trên 70% diện tích.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, đến nay gần 30% diện tích lúa đông xuân trên toàn tỉnh đã được thu hoạch, tập trung tại các địa phương như: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp... Hiện nay, các địa phương đang đôn đốc bà con nông dân tập trung thu hoạch nhanh gọn những diện tích còn lại để khẩn trương bước vào vụ sản xuất mới.
Hà Phương